Đường lớn đã mở...

Thứ Sáu, 22/10/2021 - 13:24 Đã xem: 562

Trong bài “Công việc khẩn cấp bây giờ” được viết ngày 5-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”. Tuyên Quang đang nỗ lực từng ngày để “các việc đều dễ dàng” hơn. Giải pháp trọng tâm là hoàn thiện hệ thống giao thông, góp phần rút ngắn khoảng cách với các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Đoạn đường thị trấn Na Hang được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Cảnh Trực

Những con đường của ý Đảng lòng dân

Thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Hệ sinh thái còn giữ nguyên vẹn, thảm động thực vật đa dạng, quần thể rừng nghiến hàng nghìn năm vẫn được lưu giữ, bảo vệ; hệ thống hang động kỳ bí, huyền ảo, từ hang Ké Hình, hang Bó Kim đến hang Dơi với những hoa văn, ánh vàng, ánh bạc hiếm nơi nào có được… Tiềm năng này đã được huyện Na Hang xác định từ nhiều năm trước, nhưng chỉ đến khi, tuyến đường giao thông nông thôn kết nối từ trung tâm xã đến thôn Bản Bung. Với chiều dài 6,3 km, từ Yên Thượng đến thôn Bản Bung được hoàn thành theo chương trình “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, thì giấc mơ phát triển du lịch mới gần lại. Đồng chí Đỗ Trung Kiên, Trưởng ban quản lý các khu du lịch tỉnh cho biết, mới đây, ban quản lý đã có chuyến khảo sát ở Bản Bung và nhận thấy, từ tiềm năng đến cơ hội ở đây là rất gần. Lợi thế gần trung tâm huyện, nhưng Bản Bung vẫn giữ được những nét nguyên sơ nhất của một bản vùng cao. Đặc biệt, khi đường giao thông được kết nối thuận lợi, thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, Bản Bung cũng sẽ trở thành một Tam Đảo, một Sa Pa trong lòng phố núi.

Những Nghị quyết, đề án hoàn thiện hạ tầng giao thông được tỉnh xây dựng và thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ đã làm gần lại những giấc mơ phát triển. Trong đó mỗi giai đoạn lại là một chương trình phù hợp. Từ chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2015; kiên cố hóa kênh mương; bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016 - 2020 đến Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025… 

Tuyến đường ĐT185 Phúc Yên - Khau Cau của huyện Lâm Bình có chiều dài 12 km tiếp giáp với xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nếu như trước đây, bà con ở các thôn Khau Cau, Nà Khậu phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới ra đến được trung tâm xã, thì giờ, khi tuyến đường được hoàn thành, việc đi lại đã dễ dàng hơn nhiều. Để làm được con đường này, 160 hộ dân ở 4 thôn Phiêng Mơ, Bản Bon, Khau Cau, Nà Khậu đã tự nguyện hiến gần 53.000 m2 đất, tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc trên đất để giải phóng mặt bằng. Do đây là tuyến đường huyết mạch dẫn tới các khối trường học, trung tâm xã, chợ nên sau gần một năm đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng và tạo động lực để xã Phúc Yên thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương, buôn bán của người dân trong xã với các xã trong huyện và với huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang. Từ khi có đường, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa và kinh doanh dịch vụ để tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Người dân thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) giờ có thể chạy xe máy ra thăm đồng,
khi tuyến đường nội đồng được bê tông hóa.Ảnh: Nam Thành

Đến nay, tổng số km đường bộ tỉnh Tuyên Quang là trên 6,1 nghìn km. Hệ thống giao thông đan xen, kết nối liên hoàn giữa các địa phương trong tỉnh và với trung tâm các tỉnh thành lân cận, với thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế trọng điểm như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Mới đây nhất,  ngày 1-9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, Tuyên Quang sẽ có 2 tuyến cao tốc: Cao tốc Bắc Nam phía Tây từ thành phố Tuyên Quang đến Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - điểm đầu là cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Cùng với đó, 3 tuyến đường trong tỉnh được nâng lên đường Quốc lộ, gồm ĐT185 từ Na Hang đi Phúc Yên (Lâm Bình) thành Quốc lộ 2C; ĐT186 từ An Hòa đi Hồng Lạc - Sơn Nam - Ninh Lai đi Vĩnh Phúc thành Quốc lộ 2D;  ĐH 09 từ Km 31 đi Bằng Cốc - Thành Long đến Yên Bái thành Quốc lộ 3B.

Đánh thức tiềm năng kinh tế vùng

Những tuyến đường giao thông kết nối liên vùng là ưu tiên của Tuyên Quang trong giai đoạn hiện nay. Theo Sở Giao thông - Vận tải, hệ thống đường bộ kết nối giữa Tuyên Quang với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Từ Tuyên Quang về Hà Nội, lên Hà Giang, sang Bắc Kạn, Cao Bằng và các tỉnh trong khu vực hiện còn mất nhiều thời gian do chất lượng đường còn hạn chế, chưa khai thác tối đa năng lực vận tải, nhất là vận tải hàng hóa phục vụ cho sự phát triển. Do đó, Tuyên Quang dẫu có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa thu hút được đầu tư vì “rào cản” về đường giao thông còn nhiều bất cập.

Bằng tất cả khát vọng vươn lên xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, ngay từ đầu năm 2021, trong điều kiện gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng tỉnh ta đã tiến hành động thổ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tháng 5 - 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc khảo sát để trình Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với tổng chiều dài là 110 km; xây dựng đường Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) để hình thành “một con đường - hai điểm đến” phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Hiện, Tập đoàn SunGroup đã làm việc với tỉnh ta để triển khai dự án phát triển du lịch lòng hồ Na Hang, khu lâm viên Phiêng Bung (Na Hang) kết nối với danh thắng hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn và các địa danh nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng.

Đường vào vùng sản xuất cây ăn quả ở thôn Đồng Tày, xã Xuân Vân (Yên Sơn).  Ảnh: Thành Công

Hiện, ngành giao thông vận tải đang tập trung nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 37 đoạn từ Km 172 + 800 đến Km 238 + 152, trong đó xây dựng đầu tư xây dựng mới cầu Sơn Dương 2; cải tạo, mở rộng cầu Nông Tiến, xây dựng cầu Xuân Vân (Yên Sơn) và cầu Minh Xuân (TP Tuyên Quang). Đồng thời nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 2C đoạn từ Km 189 đến Km 247 + 100 (Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình đến Khu Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang, Lâm Bình); xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn từ chợ Mới, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) - ngã ba Trung Sơn (Yên Sơn) dài 17,96 km; đường trục phát triển thành phố Tuyên Quang từ trung tâm thành phố đi suối khoáng Mỹ Lâm dài 7,5 km; tuyến Quốc lộ 2 từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đến Km34 (đường Tuyên Quang - Hà Giang) dài 24 km... 

Nhiều cây cầu lớn, như Tân Hà, Tứ Quận, Tân Yên, Thiện Kế, Kim Quan, An Hòa, Kim Xuyên, Tứ Quận, Ba Đạo… cũng được xây dựng, kết nối giữa các địa phương với nhau. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Tuyên Quang huy động các nguồn vốn khác nhau, như trái phiếu Chính phủ, tín dụng ưu đãi, vốn ngân sách nhà nước tập trung nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến giao thông đô thị, xây dựng và khánh thành nhiều cầu lớn như cầu Bình Ca, cầu Tình Húc… Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 cũng xác định, giai đoạn này sẽ xây dựng thêm ít nhất 200 cây cầu mới.

“Mạch máu của sự sống” đã rút ngắn dần khoảng cách của vùng miền. Tận dụng mọi nguồn lực để hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng giao thông, Tuyên Quang đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đặt ra: Đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc!.                      

Nguồn: Trần Liên, Báo Tuyên Quang

Xem tin theo ngày:   / /