Mỗi địa phương một trục phát triển. Giao thông đang từng bước hoàn thành sứ mệnh của mình, là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón '' đại bàng về xây tổ ''!

Thứ Năm, 24/2/2022 - 11:33 Đã xem: 1623

Liên tiếp những công trình giao thông lớn được khởi công xây dựng trên địa bàn tỉnh, mở ra cơ hội lớn cho mỗi vùng. Mỗi con đường không chỉ là huyết mạch giao thông, mà còn đóng vai trò quyết định trong việc hình thành trục phát triển kinh tế, đô thị của mỗi địa phương.

Những cơ hội mới

Dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện Yên Sơn, Km 14 Quốc lộ 2 Tuyên Quang - Hà Giang tổng mức đầu tư là 635 tỷ đồng. Việc mở mới trục đường phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn hết sức quan trọng, tuyến đường sẽ kết nối thuận lợi với các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình và tỉnh Hà Giang, kết nối với các tuyến đường quan trọng của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội, giao thương vận tải - hàng hóa - hành khách, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ theo quy hoạch mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Tuyến đường hoàn thành góp phần phát triển các khu đô thị mới gắn kết với trung tâm thành phố Tuyên Quang, tạo không gian đô thị xanh, sạch, đẹp.

Không chỉ thế, các địa phương nằm dọc trục đường này cũng đang có những lợi thế nhất định trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút các nhà đầu tư.

Xã Trung Môn (Yên Sơn) - một trong những địa phương nằm dọc tuyến đường trục phát triển đã có những bước chuyển phù hợp. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Cường cho biết, việc khởi công tuyến đường trục phát triển đã mở ra cơ hội lớn cho Trung Môn. Từ một xã thuần nông, Trung Môn đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn. Như Tập đoàn FLC đã quyết định đầu tư khu dân cư tại thôn 4 diện tích trên 70 ha. Huyện Yên Sơn cũng xây dựng dự án khu dân cư tại thôn 13, 14, tiếp giáp với khu dân cư do FLC đầu tư... Cùng với đó, xã cũng đã quy hoạch một số điểm hình thành các khu dân cư, khu đô thị trong tương lai gần.  

Tuyến đường đôi thị trấn Na Hang được hoàn thiện góp phần giúp địa phương nhanh chóng hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV. 
Ảnh: Quốc Việt

Không chỉ là cơ hội cho phát triển đô thị, việc hình thành tuyến đường trục phát triển còn mở ra cho Trung Môn cơ hội phát triển du lịch - một cơ hội mà trước đây địa phương này chưa bao giờ nghĩ tới. Mới đây, UBND tỉnh đã công nhận Di tích khảo cổ chùa Làng Khán là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tại địa điểm này, Trung Môn đang xin chủ trương Quy hoạch chi tiết xây dựng lại chùa, Nhà văn hóa thôn 4 và nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sỹ, kỳ vọng của xã là sẽ phát triển du lịch tâm linh. Địa điểm này cũng kết nối với Làng Văn hóa Động Sơn, Hồ Ngòi Là tạo thành “vòng tròn” du lịch tâm linh - sinh thái - cộng đồng.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trung Môn Nguyễn Đức Cường cho biết, tuyến đường trục phát triển đã mở ra cơ hội cho Trung Môn. Và từ chính những lợi thế này, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã xác định, đến năm 2025, Trung Môn tập trung phát triển theo hướng đô thị loại V.

Tuyến đường từ trung tâm thành phố Tuyên Quang (Quốc lộ 2, đoạn tránh thành phố Tuyên Quang) đi phường Mỹ Lâm, kết nối trung tâm thành phố với Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu di tích Đá Bàn sau khi đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn được thời gian đi lại cho các du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm mà còn hình thành một trục đô thị mới tại khu vực này. Kim Phú có lẽ là xã cảm nhận nhiều sự thay đổi nhất khi tuyến đường này được quyết định đầu tư xây dựng. Theo ông Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú, mặc dù được sáp nhập về thành phố nhưng Kim Phú vẫn được biết đến nhiều là xã thuần nông. Ngay sau khi tuyến đường từ trung tâm thành phố đi phường Mỹ Lâm, qua Kim Phú được quyết định xây dựng, một “làn sóng” đầu tư các khu đô thị mới đã “tìm” đến Kim Phú. Trong đó, Khu đô thị Kim Phú do Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Times làm chủ đầu tư sẽ được xây dựng với quy mô trên 42 ha. Ngoài ra, trên địa bàn xã cũng đã đón nhận thêm 2 dự án khu dân cư mới với tổng diện tích trên 15 ha và 1 dự án đang xin chủ trương đầu tư với diện tích trên 40 ha.  

Không chỉ ở Kim Phú, du lịch, dịch vụ, đô thị cũng là định hướng phát triển của các xã nằm trên tuyến đường. Phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), xã Mỹ Bằng, Nhữ Hán (Yên Sơn) cũng là những địa phương “hưởng lợi chính” từ tuyến đường này, dịch vụ du lịch đang được địa phương này coi là trọng tâm phát triển, đặc biệt từ sau khi Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Mỹ Lâm được thành hình. Trong tương lai không xa, nhất là khi đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được hình thành, tăng tính kết nối giữa các đô thị trong tỉnh và khu vực, thì việc thu hút khách du lịch, thu hút nhà đầu tư vào khu vực này sẽ càng khởi sắc.

Hoàn thiện để phát triển

Tổ dân phố Đồng Luộc, Phúc Hương, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) trước đây chỉ có những con đường mòn nhỏ để người dân đi lại. Cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Cơ hội mở ra khi tuyến đường Đồng Luộc - Phúc Hương có tổng chiều dài 1,58 km, điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 3B tổ Vĩnh Thịnh và điểm cuối tuyến giao với đường tỉnh ĐT188 tổ Vĩnh Hưng được hoàn thành tháng 12-2019. Đây là tuyến đường đầu tiên có dải phân cách giữa, công trình giao thông có quy mô cấp tiêu chuẩn cao nhất tỉnh tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lộc Nguyễn Trường Minh cho biết, ngay sau khi tuyến đường được hình thành, nhiều cơ quan, đơn vị được quy hoạch đưa trụ sở về đây. Đồng thời, khu dân cư do huyện quy hoạch, Khu đô thị do Công ty TNHH Gia Hưng Global cũng được xây dựng tại khu vực này đã “biến” vùng đất nông nghiệp trước đây thành một khu dân cư sầm uất bậc nhất thị trấn Vĩnh Lộc. Thị trấn Vĩnh Lộc cũng vừa hoàn thành việc đặt tên đường, số nhà... cho người dân ở đây, đảm bảo các tiêu chí để từng bước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thị trấn trở thành đô thị loại IV.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là một trong ba khâu đột phá. Chính vì vậy, ngoài các dự án giao thông lớn như Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được khẩn trương triển khai, xây dựng, thì việc hoàn thiện hạ tầng giao thông trong tỉnh cũng được ngành giao thông vận tải thực hiện. Như dự án sửa chữa tuyến đường ĐT 186 đoạn từ Sơn Nam đến Khu công nghiệp Long Bình An; tuyến ĐT 188 từ thị trấn Chiêm Hóa đến Lâm Bình; hoàn thành dự án sửa chữa nền, mặt đường tuyến ĐT 185 đoạn từ Phúc Yên đến Khau Cau, huyện Lâm Bình; Đường từ Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Dự án đầu tư xây dựng cầu và tuyến đường tránh thị trấn Sơn Dương; Đường tránh QL 2 hướng từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi Km31 đường Tuyên Quang - Hà Giang đến QL 2 (xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên), cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang; QL 2C từ Khu di tích lịch sử Quốc gia Kim Bình, huyện Chiêm Hóa đến thị trấn Na Hang...

Ngoài mục tiêu hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, tăng tính kết nối liên vùng, các địa phương đã rất nhanh chóng xác định trục phát triển cụ thể để tận dụng sức mạnh từ giao thông thuận lợi. Trong đó, tập trung vào phát triển hạ tầng đô thị, du lịch và dịch vụ.
Giao thông đang từng bước hoàn thành sứ mệnh của mình, là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón “đại bàng về xây tổ”!

Thế Tiến

Nguồn: baotuyenquang.com.vn

Xem tin theo ngày:   / /