Theo báo cáo của Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga tại buổi làm việc, sau khi lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giao thông sửa đổi lần 1, Ban Soạn thảo đã nhận được 101 văn bản đóng góp ý kiến. Trong đó, có 12/29 ý kiến của các Bộ, Ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; 15/63 ý kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 46/63 ý kiến của các Sở GTVT; 22 ý kiến của các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ, thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và một số ý kiến khác...
"Quá trình lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ cho thấy sự đồng thuận cao trong việc hoàn thiện khung chính sách về giao thông đường bộ nhằm phù hợp với thực tiễn phát sinh. Ngoài ra, một số ý kiến cũng chỉ ra vấn đề bất cập của Dự thảo Luật và đã được Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cập nhật chỉnh sửa để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của Dự án Luật", Vụ trưởng Trịnh Thị Hằng Nga khẳng định.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga báo cáo tại cuộc họp
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cũng đã trình bày những vấn đề còn bất cập, gây tranh cãi và giải trình quá trình tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị về quy tắc giao thông: đèn báo hiệu đường bộ, quy tắc sử dụng đèn, quy tắc bảo vệ nhóm người yếu thế (người già, người khuyết tật, trẻ em...), ghế sử dụng chuyên dụng cho trẻ em, tốc độ xe ; về kết cấu hạ tầng: quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo trì công trình đường bộ...; về người điều khiển phương tiện và vận tải đường bộ. Ngoài ra, Dự thảo Luật lần 2 đã bổ sung thêm các quy định mới về cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng; bổ sung quy định về hoạt động vận tải nội bộ đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường công tác quản lý an toàn giao thông; quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô...
Được biết, Dự thảo lần 2 Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 08 chương, 151 điều quy định về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu kết luận cuộc họp
Sau khi nghe các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập thảo luận, trao đổi ý kiến về dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao cố gắng, nỗ lực làm việc hết mình của các thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
"Dự thảo Luật GTĐB đã đưa ra được nhiều vấn đề mới, tạo được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp…", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận và cảm ơn các thành viên Ban Soạn thảo thuộc các Bộ, Ngành, địa phương, đơn vị… đã đóng góp ý kiến vào quá trình soạn thảo. Đồng thời, Bộ trưởng cũng hy vọng tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp để Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ có nhiều điểm mới, đột phá, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Bộ trưởng chỉ đạo Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Dự thảo Luật cần xây dựng lộ trình cụ thể, tiếp tục xin ý kiến lần 2 đối với các Bộ, Ngành, địa phương và các hiệp hội vận tải đường bộ còn chưa có ý kiến đóng góp, bám sát lộ trình, đảm bảo tiến độ xây dựng Dự án Luật. Bên cạnh đó, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần nêu rõ được những điều mới của Luật Giao thông đường bộ sửa đổi so với Luật Giao thông đường bộ cũ, đồng thời, cần thông tin cụ thể, chi tiết từng vấn đề mới cũng như các nội dung đang còn nhiều ý kiến trái chiều; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp được biết và hiểu rõ.
"Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập phải tiếp tục tiếp thu một cách rộng rãi theo quy định, xây dựng Dự thảo Luật kỹ lưỡng, rõ ràng đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn, từ đó mới tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.
Nguồn: TTĐT Bộ GTVT