Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể:

25/01/2020 - 20:31
300

GIAO THÔNG SẼ PHÁT TRIỂN ĐỘT PHÁ TRONG 10 NĂM TỚI

Trao đổi với Báo Giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 10 năm tới, giao thông sẽ có nhiều đột phá, chắc chắn sẽ tốt lên rất nhiều, việc đi lại, giao thương cũng thuận tiện hơn...


Nhiều điểm sáng trong năm 2019


Năm 2019, ngành GTVT quyết liệt thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhìn lại một năm qua, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả này?

Năm 2019, chúng tôi tự đánh giá cơ bản hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Các chỉ đạo, kết luận giao nhiệm vụ của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cho ngành đều được Bộ GTVT thực hiện triệt để.

Một trong những kết quả nổi bật theo tôi là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, vốn được Bộ GTVT xác định là khâu đột phá. Đây là công việc không tốn nhiều kinh phí, nhưng nếu làm tốt sẽ tác động mạnh mẽ, tạo thuận lợi lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Xác định tầm quan trọng của công tác này, hàng tháng, chúng tôi đều kiểm điểm chặt chẽ tiến độ, chất lượng các văn bản. Đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Đảm bảo ATGT cũng là một trong những điểm sáng của ngành GTVT trong năm 2019. Các tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương vì TNGT đều giảm trên 5%.

Trong năm mới, với việc thực thi hiệu quả Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng như Nghị định 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tôi tin rằng, công tác quản lý vận tải, đảm bảo ATGT, đảm bảo tính mạng của người dân sẽ tốt hơn.

Về công tác xây dựng cơ bản, chúng tôi cũng đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cơ bản những công trình, dự án trọng điểm quốc gia đều được thực hiện đúng kế hoạch. Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, có thể người dân kỳ vọng chúng tôi triển khai nhanh hơn nữa, song là cơ quan Nhà nước, chúng tôi phải thực hiện đúng luật, phải đảm bảo trình tự thủ tục xây dựng cơ bản.

Hiện với dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành liên quan, tích cực triển khai.

Với dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đến 31/12/2019, toàn bộ gói thầu thuộc 3 dự án đầu tư công đã được triển khai. Riêng cầu Mỹ Thuận 2, Chính phủ cho phép đến quý I/2020 sẽ khởi công. Như vậy, với nguồn vốn có sẵn mà Quốc hội bố trí, chúng tôi đang bám sát kế hoạch để có thể hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, chúng tôi đã mở thầu, sơ tuyển toàn bộ.

Chúng tôi dự kiến sẽ có báo cáo nhanh với Chính phủ về các tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi kỳ vọng có thể chọn được nhà đầu tư trong nước để thực hiện dự án theo hình thức PPP trong quý I/2020.

Dù rất cố gắng, song tình hình giải ngân xây dựng cơ bản của Bộ GTVT không tốt so với nhiều năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên, chủ yếu là những nguyên nhân khách quan.

Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết đến 31/1/2020, sẽ giải ngân không thấp hơn bình quân chung của cả nước, đạt từ 85% trở lên.

Về vận tải, hiện có nhiều loại hình vận tải mới ứng dụng KHCN và cả xe vận tải hợp đồng cũng ứng dụng công nghệ. Nghị định 10 (sửa đổi Nghị định 86) vừa được ban hành, tôi tin rằng hoạt động vận tải của taxi công nghệ, taxi truyền thống và xe hoạt động tuyến cố định… sẽ được quản lý chặt, tạo công bằng cho tất cả các DN hoạt động vận tải, đảm bảo trật tự, đúng quy định của pháp luật.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHK quốc tế Long Thành.

Vào dịp lễ Tết, TNGT thường diễn biến phức tạp. Tới đây, Bộ GTVT có chỉ đạo như thế nào để giúp người dân có những chuyến đi an toàn, thưa Bộ trưởng?

Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại thường tăng rất cao. Do đó, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch triển khai đến tất cả địa phương, nỗ lực tối đa đảm bảo các chuyến đi an toàn tuyệt đối, đưa người dân về sum họp với gia đình. Các địa phương xây dựng kế hoạch không chỉ điều động xe ở các bến mà cả xe buýt, xe của các đơn vị du lịch… để vận chuyển bà con đi và đến an toàn.

Đây là dịp lưu lượng giao thông tăng cao nên công tác tăng cường, kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải là rất cần thiết. Chúng tôi sẽ mở nhiều đợt cao điểm để kiểm tra việc chấp hành của các DN vận tải liên quan đến chất lượng phương tiện, lái xe, tình trạng sức khoẻ của lái xe cũng như việc sử dụng lái xe của DN.

Nghị định 100 đã được ban hành, sẽ ràng buộc trách nhiệm của DN với lái xe và với người dân. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức kiểm tra hoạt động đăng ký, đăng kiểm phương tiện, kiểm tra tình trạng sức khoẻ lái xe trước khi xuất bến.

Đây là công việc bình thường, tuy nhiên hàng năm cần kiểm tra giám sát thật nghiêm, đảm bảo xe khi rời bến thì chất lượng phương tiện tốt, lái xe an toàn và hành khách có thể yên tâm về quê ăn Tết với gia đình.

Cơ bản hình thành hệ thống đường cao tốc quốc gia

Bước vào năm mới 2020 và thập niên mới với rất nhiều kỳ vọng, nhìn lại kết quả của 10 năm qua, theo Bộ trưởng, ngành GTVT đã làm được những gì, còn điều gì cần tiếp tục nỗ lực triển khai?

Trong 10 năm qua, theo tôi có 3 lĩnh vực mà ngành GTVT đã làm rất tốt.

Thứ nhất, kết cấu hạ tầng đã có sự đột phá, từ quốc lộ (trong đó có QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên) đến các hệ thống đường cao tốc (10 năm qua đã hình thành một số tuyến đường, một số con đường kết nối phục vụ tốt). Các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận những thành tựu đột phá về hạ tầng của chúng ta.

Điều thứ hai tôi muốn nói đến là việc tổ chức vận tải. 10 năm qua, thế giới thay đổi rất nhiều với sự ra đời của xe công nghệ mới. Ở Tây Ban Nha, Anh, Pháp đều có biểu tình, xung đột giữa loại hình vận tải truyền thống và loại hình vận tải công nghệ.

Việt Nam là một trong những nước ứng dụng thí điểm loại hình xe công nghệ này và rút được nhiều bài học kinh nghiệm. Trong thời gian tới, tôi kỳ vọng khi Nghị định 10 đã được ban hành sẽ tạo được sân chơi bình đẳng, quản lý chặt chẽ cả taxi công nghệ và taxi truyền thống, chống được xe dù, bến cóc, xe hoạt động trá hình...

Thành tựu nổi bật thứ 3 phải kể đến là công tác đảm bảo ATGT. Nếu những năm 2010 - 2011, số người chết do TNGT mỗi năm có thể lên tới 12.000 người, với rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, qua nhiều năm, con số này đã được kéo giảm.

Năm nay, số người chết do TNGT giảm xuống còn dưới 8.000 người. Đây là thành tựu rất lớn. Nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt, nghiêm khắc xử lý các vi phạm, chắc chắn sẽ không đạt được những kết quả này.

Trong 10 năm tới, nếu đặt câu hỏi Bộ GTVT sẽ tập trung quan tâm những vấn đề gì, tôi cho rằng, đầu tiên phải là thể chế.

Chúng tôi nhận diện được việc xung đột giữa các Luật trong thời gian qua đã cản trở quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, cản trở hoạt động vận tải cũng như xử lý hành vi vi phạm.

Do đó, trong 10 năm tới, chúng tôi sẽ phải tập trung hoàn thiện thể chế, coi đây là điểm đột phá, làm sao để các quy định được cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện tốt hơn, từ đó tạo động lực để thu hút nguồn lực đầu tư, giúp tăng cường quản lý vận tải và tạo điều kiện để kiềm chế tai nạn, đảm bảo an toàn cho người dân.

Thứ hai là đầu tư vào KHCN. Cuộc cách mạng KHCN đang phát triển rất nhanh.

Bằng mọi giá, chúng ta phải đầu tư cho KHCN, đầu tư cho con người, đầu tư cho những lĩnh vực khoa học mới, tăng cường ứng dụng thành tựu KHCN của thế giới để nhanh chóng phát triển giao thông ở Việt Nam.

Thứ ba, 10 năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng cơ bản hình thành hệ thống đường cao tốc quốc gia, cụ thể là phấn đấu làm thêm 4.000 - 5.000 km nữa, cùng với 2.000km hiện nay để cơ bản kết nối đường cao tốc với các trung tâm tỉnh lị, cảng biển, cửa khẩu biên giới, cảng hàng không, tạo nên một hệ thống liên hoàn để phát triển KT- XH.

Bên cạnh phát triển đường cao tốc, chúng tôi sẽ tập trung cho công tác duy tu, sửa chữa đường hiện hữu. Sắp tới chúng tôi không tập trung mở rộng quốc lộ hiện hữu vì không hiệu quả mà gây bức xúc cho người dân, đền bù rất nhiều mà tập trung hình thành đường song hành.

Chúng tôi cũng sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội cố gắng huy động các nguồn lực bao gồm cả ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội để sớm hình thành hệ thống GTVT tương đối tốt ở các vùng miền, đặc biệt là những vùng đang còn nhiều khó khăn như các tỉnh miền núi Tây Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL… tạo điều kiện phát triển KT-XH tất cả các vùng miền của cả nước.

Giao thông phải đi trước mở đường, giao thông phát triển đến đâu, kinh tế phát triển theo đến đó.

Hạ tầng giao thông hiện vẫn là một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế. Liệu trong 10 năm tới, chúng ta có giải quyết được điểm nghẽn này không, thưa Bộ trưởng?

Trong 10 năm tới, giao thông sẽ có nhiều đột phá, chắc chắn sẽ tốt hơn lên rất nhiều, việc đi lại, giao thương cũng thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nếu nói là giải quyết dứt điểm thì chưa thể.

Ngay cả các quốc gia phát triển, dù tập trung lớn cho đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng chưa thể nói là hết nghẽn mà vẫn cần tiếp tục đầu tư phát triển. Do đó, hệ thống giao thông đã hoàn thiện rồi, cần hoàn thiện tốt hơn nữa để khai thác hiệu quả các nguồn lực.

Mỹ và châu Âu có hệ thống giao thông phát triển rất tốt, nhưng họ vẫn tập trung phát triển thêm các tuyến đường mới, nâng cấp các tuyến đường cũ để đáp ứng yêu cầu. Điều chúng tôi có thể khẳng định là Bộ GTVT sẽ nỗ lực tối đa cùng các Bộ, ngành, địa phương phát triển tốt nhất hệ thống giao thông.

“Mạch máu” của chúng ta cần phải quan tâm đặc biệt để từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước.

Vậy tới đây, Bộ trưởng sẽ đưa ra giải pháp gì để tiếp tục thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông?

Cùng với các Bộ, đặc biệt là Bộ KH&ĐT, chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội sớm ban hành Luật PPP. Đây là Luật có thể tạo đột phá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực GTVT.

Chúng ta công khai các chính sách một cách cụ thể, minh bạch để thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Kỳ vọng của chúng tôi trong giai đoạn tới là thiết kế Luật PPP sao cho chúng ta có thể huy động được các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong nước của người dân, DN, thông qua các hình thức huy động vốn của các DN hoặc trái phiếu công trình, TPCP để hiện đại hoá hệ thống giao thông.

Trong lĩnh vực giao thông, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hệ thống quốc lộ, hệ thống đường cao tốc. Chúng ta thấy là hệ thống quốc lộ hiện nay tuy gần 25.000km nhưng đặc thù là nhà cửa dân cư 2 bên rất lớn do đó việc đi lại tốn rất nhiều thời gian, ATGT khó đảm bảo.

Chính phủ đang giao các cơ quan chức năng nghiên cứu để ban hành một Nghị định hoặc một hình thức văn bản quy phạm pháp luật nói riêng cho lĩnh vực GTVT để thu hút nguồn lực để phát triển đường cao tốc.

Riêng đường cao tốc sẽ phải thu phí. Người dân có thể lựa chọn đi trên đường quốc lộ, đường tỉnh và hệ thống đường hiện nay. Đường cao tốc, do phục vụ phát triển KT-XH đột phá, cần có chính sách để thu hút nguồn lực, đảm bảo duy tu sửa chữa, phát triển mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.


Thông điệp ngành GTVT lựa chọn là “đột phá”


Trong thập niên tới, dự báo cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phát triển như vũ bão. Nếu GTVT không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ sớm tụt hậu. Với vai trò là người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng định hướng phát triển ngành GTVT trong năm 2020 và trong 10 năm tới như thế nào?

Như tôi đã nói, cuộc cách mạng KHCN đang phát triển rất nhanh, do đó, bằng mọi giá, chúng ta phải đầu tư cho KHCN.

Bộ GTVT vừa phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực GTVT. Kỳ vọng của Đề án này là ứng dụng KHCN để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn trong ngành GTVT, kết nối cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa và đường hàng không; Kết nối với tất cả tỉnh, thành trong cả nước về quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng, quản lý phương tiện và người lái; quản lý DN vận tải...

Cơ sở dữ liệu này cũng sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành có liên quan để thành cơ sở dữ liệu dùng chung.

Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn trong ngành GTVT, kết nối cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không.

Thủ trưởng các cơ quan đơn vị trong Bộ GTVT được quán triệt việc này. Tất cả các cục đều hình thành dữ liệu lớn của mình, ngoài việc cập nhật, phải có đội ngũ chuyên gia cập nhật liên tục. Cơ sở dữ liệu xây dựng nên phải sát thực tiễn, đảm bảo phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thức rõ hiện thế giới có rất nhiều thành tựu mới trong xây dựng giao thông. Thời gian qua, chúng ta đã tiếp thu những thành tựu này trong công tác làm hầm, xây dựng, thiết kế những cây cầu hết sức hiện đại...

Tới đây, chúng tôi đẩy mạnh việc tiếp nhận, ứng dụng thành tựu KHCN, nắm bắt được công nghệ mới, vật liệu mới để hình thành những dự án quy mô, bền vững.

Bộ GTVT cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến hoạt động vận tải, ứng dụng CNTT trong quản lý vận tải mà trước mắt là việc lắp đặt hệ thống camera trên quốc lộ, đường cao tốc và khu vực trọng điểm, quản lý, giám sát, xử phạt vi phạm qua camera, qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình...

Bộ GTVT sẽ ứng dụng tốt nhất các thành tựu KHCN để tổ chức xây dựng, quản lý vận tải tốt hơn, từ đó, đem lại an toàn cho người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời báo chí

Trong thập niên tới, dự báo cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phát triển như vũ bão. Nếu GTVT không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ sớm tụt hậu. Với vai trò là người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng định hướng phát triển ngành GTVT trong năm 2020 và trong 10 năm tới như thế nào?

Thông điệp mà chúng tôi lựa chọn là “đột phá”. Bộ GTVT sử dụng nhiều ngân sách Nhà nước, nhiều vốn xã hội trong công tác đầu tư. Sang năm 2020, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực. Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP cũng đang được tích cực xây dựng.

Cùng với Bộ KH&ĐT, các Bộ ngành khác, Bộ GTVT ngoài việc hoàn thiện thể chế cũng sẽ cố gắng nghiên cứu thật kỹ các quy định mới của Luật để tạo sự đột phá.

Chúng tôi đánh giá Luật Đầu tư công sửa đổi rất nhiều tiến bộ. Luật PPP sắp tới cũng sẽ là đột phá lớn.

Chúng tôi kỳ vọng phối hợp với Bộ KH&ĐT, các Bộ trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào đường cao tốc để đáp ứng yêu cầu vận chuyển nhanh, khối lượng lớn, an toàn và đặc biệt là có thể kéo các nhà đầu tư đến vùng sâu, vùng xa, vùng xa trung tâm.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


 

 

 

 

 

 

bình luận

Tìm kiếm
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 110/GP-TTĐT ngày 06/12/2018 của Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Tuyên Quang

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Việt Lâm - Giám đốc Sở

Trưởng Ban biên tập website: Ông Lưu Việt Anh , Phó Giám đốc Sở

Địa chỉ: Đường 17/8, TP Tuyên Quang. Điện thoại: 0207.3825 047 - Email: sogiaothong@tuyenquang.gov.vn

© 2019 - Bản quyền thuộc về Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang.
Ghi rõ nguồn Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang