Việc giảm xuống còn 3 loại hình vận tải giúp phân định rõ những đặc điểm khác biệt về tính chất dịch vụ, cách thức tổ chức, quản lý điều hành giữa các loại hình (Ảnh minh họa)
Chồng chéo, nảy sinh bất cập
Luật GTĐB năm 2008 quy định, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch. Đánh giá sau 12 năm thực hiện Luật, Bộ GTVT cho rằng, việc phân định 5 loại hình như Luật GTĐB năm 2008 đang bộc lộ nhiều bất cập.
“Với sự phát triển của khoa học công nghệ, một số phương thức kinh doanh vận tải mới xuất hiện như Grab, Uber đã gây ra nhiều tranh cãi trong việc xác định loại hình, chủ thể kinh doanh, thậm chí đã phải giải quyết mâu thuẫn ở Tòa án”, Bộ GTVT đánh giá.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN) vận tải, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho rằng, chính việc chia nhỏ loại hình vận tải, từ đó quy định điều kiện kinh doanh khác nhau, trong khi nhiều loại hình tương đồng nhau về bản chất khiến công tác quản lý như gà mắc tóc.
Đồng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, điều kiện kinh doanh giữa một số loại hình đang bị “đá nhau”.
Đơn cử xe buýt và xe tuyến cố định hoạt động tương đồng nhưng lại quy định thành hai loại hình khác nhau. Thêm nữa, chính việc chia nhỏ loại hình đã khiến xe hợp đồng trá hình lợi dụng chạy như tuyến cố định, gây nên cạnh tranh bất bình đẳng, đẩy nhiều DN tuyến cố định vào nguy cơ phá sản.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hải, cùng là loại xe dưới 9 chỗ, cùng tính tiền theo km nhưng xe hợp đồng điện tử và xe taxi lại khác nhau về điều kiện làm nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí đã phải đưa nhau ra tòa để phân định. “Khi hai loại hình tương tự nhau được gộp lại và có chung điều kiện kinh doanh sẽ dễ quản lý hơn”, ông Hải nói.
Ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Công thương) cho rằng, trong quá trình xây dựng Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, khó khăn vướng mắc lớn nhất gặp phải là ở trần Luật GTĐB hiện nay. Nghĩa là chúng ta đang chia nhỏ đối tượng kinh doanh vận tải nên khó tạo ra hành lang pháp lý linh hoạt và sáng tạo.
Mấy loại hình là phù hợp?
Để giải quyết thực trạng nêu trên, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất phân loại kinh doanh vận tải hành khách chỉ còn 3 loại hình là taxi, xe buýt và xe hợp đồng.
Xe taxi và xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ hay xe hợp đồng và xe du lịch bản chất giống nhau nhưng lại bị xé lẻ để quy định khác nhau dẫn đến chồng chéo.
Những điều kiện đưa ra nhiều nhưng không kiểm soát được, cộng với năng lực kiểm soát kém khiến cho hoạt động vận tải lộn xộn, nảy sinh tình trạng xe dù, bến cóc.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc phân định rõ, với những đặc điểm khác biệt về tính chất dịch vụ, cách thức tổ chức, quản lý điều hành sẽ không bị chồng lấn giữa các loại hình, siết chặt chất lượng dịch vụ, an toàn hơn cho hành khách.
“Loại hình xe buýt bao gồm xe buýt nội tỉnh và xe buýt liên tỉnh được gộp từ 2 loại hình vận tải có cùng tính chất về tuyến, biểu đồ chạy xe và lộ trình ổn định là vận tải hành khách theo tuyến cố định và xe buýt.
Loại hình xe hợp đồng được ghép từ 2 loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải hành khách du lịch, đồng thời quy định sức chứa từ 9 chỗ trở lên để tránh tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất là xe taxi và xe dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng. Loại hình taxi bao gồm xe taxi và xe hợp đồng, du lịch bằng xe ô tô dưới 9 chỗ vì có cùng bản chất dịch vụ”, ông Huyện thông tin.
Ủng hộ quan điểm trên, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng - thành viên ban soạn thảo Luật cho rằng, việc chia thành 3 loại hình là hợp lý. Nhiều nước có loại hình xe buýt nội thị và xe buýt liên tỉnh.
Hiện nay, điều kiện kinh doanh đối với xe taxi và xe hợp đồng được quy định tại Nghị định 10 không có sự khác biệt. Bên cạnh đó, Nghị định 10 cũng không quy định xe taxi phải gắn hộp đèn và không quy định số lượng xe, hộ cá thể cũng được phép kinh doanh.
“Loại hình taxi bản chất cũng là xe hợp đồng, đặt xe qua tổng đài hay điện thoại cũng là hình thức hợp đồng và ngược lại, có chăng chỉ khác phương thức thanh toán.
Xe hợp đồng dưới 9 chỗ sau này sẽ được chuyển thành taxi. Có nghĩa, nếu anh dùng xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải thì phải đăng ký kinh doanh taxi. Khi đó chỉ có một khung điều kiện kinh doanh cụ thể, nếu đáp ứng mới được phép kinh doanh”, ông Hùng nói.
Theo: Báo GT