Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.
Có thể nói, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp còn gặp khó khi chọn hướng chuyển đổi số
Các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiêp vừa và nhỏ đã quan tâm đến chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, thực tế một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu là đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng qua 3 năm thực hiện, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trên cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; và khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp.
Do đó, ông Đường cho biết, trên thực tế việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, thực chất đi vào sử dụng vẫn chưa nhiều. Để chuyển đổi số đi vào thực chất, cuối 2021 Bộ Thông tin truyền thông ban hành Bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên trang Cổng www.dbi.gov.vn. Trong số những doanh nghiệp đăng ký tài khoản, chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp thực hiện tư vấn đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) dẫn khảo sát được thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 cho thấy, có đến 64% các CEO khi được hỏi khẳng định chuyển đổi số góp phần nâng cao khả năng vận hành giúp doanh nghiệp làm việc từ xa cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phân tích dữ liệu lớn đưa ra quyết định kinh doanh. Hai lựa chọn khác được 58% CEO quan tâm là nâng cao trải nghiệm và bảo mật thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang cho rằng, thách thức trong chuyển đổi số với doanh nghiệp liên quan một số vấn đề như doanh nghiệp đưa ra bài toán của mình trước khi quyết định chuyển đổi số; doanh nghiệp cung cấp giải pháp, phần mềm, dịch vụ phù hợp với loại hình hoạt động; hoạt động bảo mật trên môi trường số, chuyển đổi số bắt đầu từ đâu trong doanh nghiệp...
Từ những thách thức trên, đồng tình với quan điểm của các chuyên gia đã trao đổi, bà Nguyễn Thị Thu Giang nhấn mạnh, việc chuyển đổi số cần được tổ chức thực hiện trong doanh nghiệp, từ hoạt động chỉ đạo của các lãnh đạo doanh nghiệp đến việc thay đổi của các bộ phận chuyên môn. Khi chuyển đổi số, văn hoá kinh doanh, quy trình hoạt động của doanh nghiệp thay đổi nên doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp…
Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp sản xuất gặp khá nhiều khó khăn trong hành trình lựa chọn con đường chuyển đổi số phù hợp với mô hình doanh nghiệp của mình. Họ loay hoay trong cân nhắc nên đưa toàn bộ hoạt động lên môi trường số, hay chỉ ưu tiên một vài công đoạn...
Ông Alexander Evchenko, CEO Công ty 1C Việt Nam chỉ ra những thách thức trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Đó là việc thiếu những giải pháp cho phép tùy chỉnh linh hoạt là nguyên nhân của những rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các giải pháp này thường không thể hoặc rất khó để mở rộng và tùy chỉnh theo nhu cầu của công ty.
Điều này có nghĩa là phần mềm không thể đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt vòng đời kinh doanh, đặc biệt là khi doanh nghiệp muốn phát triển và mở rộng, do đó có thể tốn thời gian và không hiệu quả về chi phí.
Ngoài ra, khi nói đến việc lập trình riêng một phần mềm dành riêng cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật và chi phí, có thể làm chậm quá trình và dẫn đến thất bại trong việc khởi chạy, triển khai và kết hợp phần mềm vào cấu trúc kinh doanh đã tồn tại.
Hơn nữa, các phần mềm truyền thống với thiết kế mã nguồn mở có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu và tạo ra các lỗ hổng bảo mật. Đây là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp, vì chúng ta đều biết dữ liệu có giá trị như thế nào trong kỷ nguyên số. Một số giải pháp hiện có trên thị trường được thiết kế với chức năng cố định, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quy trình làm việc hiện có để phù hợp với quy trình vận hành của phần mềm.
Theo các chuyên gia, năm 2023 sẽ là một năm đầy khác biệt, áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm... Bởi vậy các doanh nghiệp có xu hướng thay đổi quan điểm từ chuyển đổi tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí. Xu hướng chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy bởi điều đó. Chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, nền công nghiệp 4.0 là một trong những xu hướng chuyển đổi số trong năm 2023.
Cần thay đổi tư duy và nhận thức
Đồng thời, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, bà Bùi Thanh Hằng, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng hiện nay ở các bộ, ngành khác đều có những đề án chuyển đổi số… nên cần liên kết lại với nhau để thúc đẩy chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không phải chỉ là nền tảng đưa lên để doanh nghiệp truy cập vào đó, mà cần đi từ vấn đề hạ tầng, thay đổi tư duy và nhận thức. Nhà nước hay các hiệp hội không thể nỗ lực làm thay cho doanh nghiệp, mà chính bản thân doanh nghiệp phải thấy được tác động của chuyển đổi số tới khả năng cạnh tranh của chính mình trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) cũng khuyến nghị việc chuyển đổi số cần được tổ chức thực hiện trong doanh nghiệp, từ hoạt động chỉ đạo của các lãnh đạo doanh nghiệp đến việc thay đổi của các bộ phận chuyên môn.
Khi chuyển đổi số, văn hoá kinh doanh, quy trình hoạt động của doanh nghiệp thay đổi nên doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp… Hơn nữa, chuyển đổi số không chỉ riêng Bộ Thông tin và Truyền thông hay các doanh nghiệp công nghệ thông tin mà cần sự vào cuộc của các bên cùng tham gia. Muốn chuyển đổi số thành công cần đẩy mạnh hợp tác cùng nhau.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Khiêm, Phó Viện trưởng Viện tin học Doanh nghiệp, VCCI nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của dữ liệu với doanh nghiệp khi phân tích và đưa ra chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Do đó, Chính phủ cần chia sẻ dữ liệu quốc gia. Ông Khiêm nhấn mạnh, không chỉ chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp mà cần phải chia sẻ dữ liệu quốc gia như “tài sản chung” chứ không riêng của ngành lĩnh vực nào.
Vấn đề nữa là liên quan bảo mật thông tin, theo ông Khiêm, nếu không đảm bảo an toàn thông tin, chính là nguy cơ lớn với doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số. Vấn đề bảo mật thông tin cần được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, theo ông Khiêm, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng cần có chính sách khuyến khích, có chương trình đào tạo cho doanh nghiệp về bảo mật thông tin, dữ liệu, giúp họ yên tâm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/