Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hưng Vượng; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các tổ chức chức chính trị - xã hội; Sở Giao thông vận tải.
Hội nghị đã thống nhất ký kết chương trình phối hợp thực hiện Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn và tham gia quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, giai đoạn 2021 – 2025 với các nội dung: tập trung phổ biến, tuyên truyền tới các tầng lớp nhân hiểu rõ chủ trương, sự cần thiết, mục đích điều kiện đầu tư và giải pháp thực hiện đề án; nắm vững phạm vi, đối tượng, mục tiêu, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật, phương thức thực hiện đối với đường giao thông nông thôn; công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ gia đình tích cực, tự nguyện tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công, vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ thi công… tạo sự đồng thuận và phong trào sâu rộng tham gia thực hiện đề án và quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Đồng thời, vận động nhân dân tham gia quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, bảo vệ công trình, đường và cầu trên đường giao thông nông thôn, hành lang an toàn đường bộ. Cùng với đó thực hiện giám sát cộng đồng về việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ của cơ quan chức năng đối với các công trình trên địa bàn; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình thực hiện đề án.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh, việc ký kết chương trình phối hợp là hết sức thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Qua hai nhiệm kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và XVI với sự quyết liệt của hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của toàn thể nhân dân, trên 3.300 km đường giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng. Mặc dù vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tuyến đường nhân dân đi lại khó khăn, chưa được đầu tư hệ thống công trình vượt dòng chảy qua khe, qua suối, dễ bị cô lập khi có mưa lũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu bê tông hóa trên 1.080 km đường thôn và đường nội đồng, xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn và việc tham gia quản lý bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ là những nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay trong thời gian này.
Đồng chí đề nghị MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Người cao tuổi từ tỉnh đến cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận cao và trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân. Ngành Giao thông vận tải tích cực phối hợp triển khai có hiệu quả các giải pháp về thực hiện bê tông hóa đường bê tông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Người cao tuổi cần nâng cao vai trò giám sát trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả cao nhất. Đồng chí đặc biệt lưu ý các cơ quan ký kết phải xác định đây là chương trình vì mục tiêu lợi ích cho xã hội, cho quê hương và cho nhân dân.
Tin và ảnh: Ngọc Hưng, báo Tuyên Quang