TRUYỀN THỐNG
NGÀNH GIAO THÔNG - VẬN TẢI
TUYÊN QUANG (1945-2015)
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, phần lãnh thổ lâu đời của Tổ quốc Việt Nam. Địa phận Tuyên Quang xưa bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Giang, châu Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng, huyện Yên Bình, châu Lục Yên tỉnh Yên Bái.
Năm 1831 vua Minh Mạng đổi trấn Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang.
Hiện tại Tuyên Quang có 6 huyện là Lâm Bình, Nà Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang. Diện tích Tuyên Quang là 58.000 Km, dân số 70 vạn người với 22 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chấy ( Cao Lan), H Mông, Sán Dìu, Phà Thẻn…
I. ĐƯỜNG MÒN, NGÕ NHỎ
Địa hình Tuyên Quang là miền chuyển tiếp từ địa hình núi sang địa hình đồi, trong đó địa núi chiếm ưu thế, bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi dày đặc, núi đồi trùng điệp , thung lũng sâu. Nằm trên vòng cung Ngân Sơn, Tuyên Quang có nhiều sông suối, lớn nhất là Sông Lô và Sông Gâm. Địa thế dốc, mạng lưới sông suối dày đặc tạo cho Tuyên Quang nhiều tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Tuy nhiên địa hình chia cắt làm cho giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Vùng cao phía bắc độ cao trung bình 600m, so với mặt nước biển; phía nam là vùng đồi núi thấp và các soi bãi rộng cùng các thung lũng lớn. Mặt địa hình tỉnh Tuyên Quang cấu thành bởi đá gốc ( đá rắn chắc nằm dưới lớp đất hoặc các trầm tích chưa thành đá) có tuổi từ cổ đến trẻ và một diện tích nhỏ ven các sông suối, thung lũng là đất đá bở rời- đây là các trầm tích trẻ.
Đất rộng, dân cư thưa thớt, sống rải rác trong các bản làng xa xôi, hẻo lánh. Nền kinh tế thuần nông, tự cấp tự túc nên nhu cầu đi lại, giao thương không đáng kể. Những con đường mòn, đường nhỏ, hẹp hình thành từ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt từ đời này qua đời khác. Trên đường có những chiếc cầu nhỏ đơn sơ bắc qua khe, suối, vực...
Thời phong kiến, quan lại, người giàu dùng xe ngựa đi lại, hoặc dùng ngựa thồ hàng. Mỗi lần có những cuộc hành quân lớn, triều đình cho mở thêm đường sá. Theo đó, triều đình cho ghi chép, vẽ bản đồ hệ thống đường sá cả ở miền xuôi và vùng núi. Khi cần thì huy động hàng chục vạn nhân công đắp mới hoặc tu sửa theo định kỳ. Trên các tuyến đường bắt đầu xây dựng cầu cống kiên cố bằng nguyên liệu gỗ, đá có sẵn ở địa phương.
Hoạt động giao thông có tổ chức hợp lý hơn, khi trên các đường bộ, Nhà nước cho lập các cung, trạm. Đó là nơi coi giữ, chỉ huy sửa chữa từng đoạn đường, cũng là nơi để phu làm đường và khách bộ hành nghỉ ngơi. Có cầu cố định bằng tre, gỗ, gạch đá và cầu phao thường là bè mảng bằng gỗ, tre, nứa được kết lại bắc ngang các bến sông. Phương tiện vận tải hàng hóa trên bộ chủ yếu là dùng sức người khiêng, gánh, vác, đội, địu, kéo... Sau đó dùng ngựa, trâu, bò để chuyên chở. Tuyên Quang có nhiều giống ngựa tốt, việc sử dụng ngựa thồ hàng hóa, chở người đi lại khá phổ biến.
Theo thời gian, nhu cầu vận chuyển ngày một tăng, con người đã chế tác ra những chiếc xe, mà loại xe có bánh gỗ đơn sơ nhất là xe cút kít, xe quệt (được làm bằng hai cây gỗ chặt vát, ghép với nhau, dùng sức trâu kéo để vận chuyển hàng); tiến tới là xe hai bánh, có càng do súc vật kéo.
Đến thời Nhà Nguyễn (nửa đầu thế kỷ XIX) giao thông đường bộ nước ta đã phát triển thêm một bước, với một số hướng tuyến đã hình thành theo các dạng đường trục chính chạy dọc ngang đất nước và một số đường bộ từ Thăng Long (Hà Nội) đi các tỉnh miền núi, trong đó có qua Tuyên Quang lên Hà Giang. Như vậy, đến thời gian này, Tuyên Quang đã có một tuyến đường bộ dạng trục, được chính quyền phong kiến đầu tư xây dựng.
Giao thông đường thủy ở Tuyên Quang phát triển thuận lợi và sớm hơn đường bộ. Tuy nhiên trên hai sông lớn là sông Lô và sông Gâm đều có nhiều ghềnh,
thác, nước chảy như tên bắn, lòng sông nhỏ hẹp lại nhiều đá ngầm, thuyền đi qua, người tất phải lên bờ đi bộ, theo ven núi rồi lại xuống đi thuyền.
Các loại phương tiện vận tải trên sông gồm bè, mảng, thuyền nan, thuyền độc mộc, thuyền gỗ.
Đến thời Trần, buôn bán phát đạt, giao lưu xuôi ngược nhiều nên các sông ở Tuyên Quang đã được Nhà nước cho phá đá ngầm để cho các thuyền trọng tải lớn đi lại. Tuy vậy, vẫn chưa có phương tiện chuyên dùng để vận chuyển hành khách. Chỉ triều đình mới có thuyền rồng, chuyên dùng để đưa vua chúa, quan lại đi kinh lý. Hành khách đi lại thì chủ yếu là người buôn bán kiêm giao dịch thường đi theo hàng trên các thuyền chuyên chở hàng hóa để áp tải hàng.
Đến thế kỷ XVIII, việc khai thác các mỏ đồng, vàng, bạc, kẽm, thiếc cũng như việc sản xuất lúa, gạo, muối, nông, lâm thổ sản khá phát triển khiến nhu cầu về thuyền vận tải tăng lên. Thương nhân cũng đóng thuyền lớn dài đến 30 - 50 thước. Hàng hóa vận chuyển chủ yếu bằng đường thủy gắn với việc hình thành các bến đò gắn liền với chợ.
Từ thời Gia Long về sau, các vua nhà Nguyễn chú trọng các biện pháp tổ chức, quản lý, kiểm soát đường sá, cầu cống, sông, biển, cảng và các loại phương tiện chuyên chở. Các luật lệ, quy chế kiểm soát giao thông - vận tải thủy được đặt ra rõ ràng, chặt chẽ: Tất cả thuyền, bè cũ, mới đều phải trình quan sở tại để cấp “bài chí”. Thẻ bài chí phải cắm ở mũi thuyền hoặc khắc chữ, ghi tên, xã, thôn; quy định màu sắc sơn đen đỏ, viền ở mũi thuyền để phân biệt thuyền nào ở địa phương nào; củng cố hệ thống các trạm, các trấn sở kiểm tra, thu thuế trên sông.
II. THỰC DÂN PHÁP MỞ ĐƯỜNG VƠ VÉT TÀI NGUYÊN
Từ năm 1884, sau khi đặt nền thống trị ở Việt Nam, thực dân Pháp đã tổ chức bộ máy hành chính theo mô hình kinh tế tư bản. Ở cấp trung ương có các bộ, cấp tỉnh có các sở chuyên ngành, trong đó có Sở Giao thông công chính.
Thực dân Pháp đầu tư, phát triển giao thông - vận tải, thiết lập một phần kết cấu hạ tầng : Mạng lưới giao thông, đường sá các loại, cầu, cống, phà, đường sắt, đường thủy cùng các phương tiện vận chuyển, đi lại cơ giới nhằm mục đích khai thác tài nguyên bóc lột thuộc địa. đem về chính quốc, phục vụ bộ máy cai trị. Đây là khoảng thời gian chúng mộ phu mở các tuyến quốc lộ. Quốc lộ 2 Hà Nội - Hà Giang, đoạn qua Tuyên Quang dài 90Km mặt đường được rải đá; đường Thái Nguyên - Yên Bái, đoạn qua Tuyên Quang dài 58 Km; đường Tràng Dương- Chiêm Hóa- Đầm Hồng dài 48 Km phục vụ cho việc chuyên chở quặng khai thác từ mỏ Phia Khao (thuộc Bản Thi, huyện Chợ Đòn (Bắc Kạn), theo đường cáp treo và đường goòng qua Kiên Đài về Đầm Hồng - Chiêm Hóa. Từ Chiêm Hóa sẽ theo tuyến đường thủy (theo sông Gâm) và đường bộ về nhà máy bột kẽm tại Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang). Tiêu chuẩn kỹ thuật làm đường thấp, nền mặt đường hẹp độ dốc lớn, nhất là các đoạn đường qua đèo có nhiều cua gấp chênh vênh trên bờ vực sâu.
Đầu thế kỷ XX, Tuyên Quang có 196 Km đường ô tô. Một số hẵng ô tô của người Việt ra đời như hãng Nam Vinh, có tới mấy chục đầu xe.
Đường thủy sông Lô, sông Gâm được xem là huyết mạch giao thông, chủ yếu vận chuyển quặng và hàng hóa, song nhiều chỗ cạn, mớm nước chỉ đảm bảo 0,4m. Từ Đoan Hùng lên Tuyên Quang, có loại tầu nhỏ buôn hàng của hãng Bạch Thái Bưởi và của hãng Sô Va, cập bến Quảng Tường thị xã Tuyên Quang. Sông Năng và sông Phó Đáy lòng sông cạn và hẹp chỉ có các loại bè mảng chở vài ba tạ hàng đi qua được.
Hầu hết các tuyến đường lớn bị sông suối ngăn cách đều có đò ngang chở khách.
Về phương tiện, chủ mỏ Kẽm tổ chức một đoàn thuyền sắt 40 chiếc, tải trọng mỗi chiếc 20 tấn chuyên để chở quặng từ mỏ Đầm Hồng về thị xã Tuyên Quang. Một đoàn thuyền sắt, 10 chiếc, tải trọng 50 tấn chở hàng về Hà Nội- Quảng Yên. Hàng hóa dân sinh dùng thuyền gỗ, thuyền nan.
Về cảng có một cần cẩu poóc tít, năng suất 150 tấn / ngày đặt tại thị xã Tuyên Quang. Các bến dọc sông Lô như Phan Lương, Khổng, Đĩa, Duộc, chợ Tổng, Cham, Chinh…dựa vào địa hình tự nhiên, chỉ có bến chợ Tam Cờ được xây gạch. Năm 1939, xây dựng hai bến phà qua sông Lô là bến Canh Nông và bến Phan Lương.
III. ĐƯỜNG THỦ ĐÔ KHÁNG CHIẾN RA MẶT TRẬN
Ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Nghị định 41, thành lập Bộ Giao thông công chính - một trong 13 bộ thuộc Chính phủ lâm thời, ông Đào Trọng Kim giữ chức Bộ trưởng.
Cùng ngày 22-8- 1945, sau khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Tuyên Quang ra mắt trước hàng vạn đồng bào trong lễ mít tinh tại sân vận động thị xã Tuyên Quang. Theo đó cũng ngày 22-8-1945
Ty Giao thông- Công chính Tuyên Quang được thành lập do ông Trần Tử An - nguyên Chánh Lục lộ làm Trưởng Ty.
Điều đặc biệt đối với Bộ Giao Thông- Công chính là Bộ này được lập ra trước ngày Chủ tịchc Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Như vậy Bộ Giao thông – Công chính là thành viên của Chính phủ Lâm thời – Chính phủ được bàu ra tại Quốc dân đại hội Tân Trào- Chính phủ từ Ủy ban Dân tộc Giải phóng chuyển thành.
Điều đặc biệt đối với Ty Giao thông – Công Chính Tuyên Quang là Ty này ra đời cùng ngày thành lập Ủy ban cách mạng Lâm thời tỉnh Tuyên Quang.
Hai điều đặc biệt ấy nói lên vai trò quan trọng, vinh dự và trách nhiệm của ngành giao thông - vận tải.
Năm 1946, trong chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” của chính quyền mới, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh sự cần thiết của công tác giao thông- Vận tải: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Tuyên Quang được chọn trung tâm An toàn Khu, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan chính quyền, đoàn thể sẽ ở và làm việc. Nhiệm vụ của ngành Giao thông- Vận tải Tuyên Quang lúc này là phục vụ, tạo điều kiện cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất và đồng bào tản cư chuyển đến địa phương được thuận lợi, an toàn.
Ty Giao thông- Công chính đã tổ chức đón tiếp, sắp xếp nơi ăn ở, tạo điều kiện cho đồng bào tản cư ổn định cuộc sống.
Trước nhu cầu vận tải gạo muối, hàng hóa từ vùng sau lưng địch lên căc cứ Việt Bắc, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang chủ trương thành lập “ Công đoàn vận tải sông Lô” gồm tất cả số thuyền của ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Yên tản cư lên Tuyên Quang cùng với số thuyền của địa phương Tuyên Quang sở tại, cử đồng chí Nguyễn Khắc Hùng phụ trách. Công đoàn vận tải sông Lô với gần 100 thuyền, chia thành 4 phân đoàn làm nhiệm vụ chuyên chở lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, súng đạn, máy móc và bộ đội vào căn cứ. Những công nhân đoàn thuyền sắt, số trẻ khỏe của phần đông nhập ngũ; số công nhân còn lại tham gia “ Công đoàn vận tải sông Lô”.
Thu đông năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công qui mô lớn lên Việt Bắc. Chúng tham vọng chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực Việt Minh, kết thúc chiến tranh, đặt lại ách thống trị trên toàn Đông Dương. Địch huy động 12.000 quân, chủ yếu là lính Âu- Phi thiện chiến thuộc các binh chủng thủ, lục, không quân vào cuộc tấn công.
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị “ Phá tan cuộc tấn công mùa đông của địch”.
Thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”,
tháng 2- 1947, ban chỉ đạo “ Tiêu thổ kháng chiến” Tuyên Quang thành lập, Ty Giao thông- Công chính cử ba cán bộ ngành là các đồng chí Nguyễn Công Hòa, Trần Văn Bằng và Trương Văn Lộng vào Ban chỉ đạo “ Tiêu thổ kháng chiến” Ban tuyên truyền vận động nhân dân “Triệt để tiêu thổ kháng chiến” tự phá nhà cửa của mình, tham gia dựng trướng ngại vật như chặt đổ cây to, đào hố chữ chi trên quốc lộ, tỉnh lộ.
. Các lực lượng giao thông - vận tải Tuyên Quang cùng nhân dân địa phương dọc các trục đường lớn đã tích cực phá hoại các kiến trúc kiên cố, đường sá, cầu cống, phương tiện vận tải.
Đến tháng 9-1947, tỉnh Tuyên Quang đã huy động được 307.000 ngày công, phá đi hơn 41.000 m2 nhà công sở và nhà dân. Hơn 100 chiếc cầu tổng chiều dài 1.000 m cùng 22Km đường quốc lộ, hơn 60 Km đường tỉnh, đường liên huyện cũng được dựng trướng ngại vật. Trên tuyến sông Lô, đoạn từ bến Phan Lương đến bến Bình Ca xây dựng 2 kè ngăn tàu chiến của địch. Những soi bãi rộng ven sông vùng nam Sơn Dương đều được cắm chông, gài mìn đề phòng quân địch đổ bộ hoặc nhảy dù. Tất cả nhằm mục đích ngáng đường, hạn chế tối đa ưu thế về vũ khí của địch.
“ Tiêu thổ kháng chiến ” có tác dụng làm chậm tốc độ tấn công của địch, khiến chúng bị hao mòn về lực lượng. Trong khi ta có thêm thời gian để di chuyển hết máy móc, hàng hóa còn mắc lại và chuẩn bị kế hoạch đánh địch.
Cùng với bộ đội chủ lực, tự vệ, dân quân, nhân dân Tuyên Quang làm nên những chiến công oanh liệt: Bình Ca, Khe Lau, Bản Heng, Cây số7, Cầu cả, Vật Nhèo góp phần đập tan cuộc tấn công của địch, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, bảo vệ an toàn thủ đô Kháng chiến, cũng như toàn bộ căn cứ địa Việt Bắc. Công tác giao thông vận tải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình góp phần quan trọng vào chiến thắng Việt Bắc.
Từ sau thất bại Thu – Đông 1947, quân Pháp không còn khả năng mở những cuộc tấn công với qui mô lớn tương tự. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta vượt qua giai đoạn phòng ngự. Đã đến lúc bộ đội ta chuẩn bị mở chiến dịch chủ động tấn công kẻ địch. Nhiệm vụ của quân dân thủ đô Kháng chiến đặt ra là khôi phục, phát triển kinh tế , cơ sở hạ tầng trong đó chú trọng xây dựng, khôi phục các tuyến giao thông - vận tải. Công việc sửa sang đường sá được tiến hành khẩn trương. Tình hình đòi hỏi ngành Giao thông vận tải trước hết nhanh chóng khôi phục các tuyến đường đã phá hoại ngày đầu kháng chiến. Trên đất Tuyên Quang đường bị phá dài cả trăm Km. Hàng ngàn dân công đã được huy động sửa đường. Ty Giao thông- Vận tải Tuyên Quang cử hàng trăm cán bộ hướng dẫn, giám sát trên các công trường. Quốc lộ 2, đường 13 A và các trục đường chiến lược của An toàn khu được tu sửa; tập trung khôi phục các cầu cống như làm lại mặt cầu hoặc làm cầu tạm, đường ngầm, đường tránh trong mùa khô; làm bè mảng đi lại trong mùa lũ. Các bến Bình Ca, Chiêm Hóa được tu sửa, tăng cường thêm phà.
Thu đông năm 1948, đường từ đèo A Lê trên Quốc lộ 3 về Bắc Kạn - Bờ Đậu, vượt Đèo Khế đến Tuyên Quang, những nơi bị phá hoại được san lấp, làm cầu tạm, đường ngầm, chuẩn bị phà sẵn sàng đưa ra sử dụng. Tuyến đường từ biên giới về Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang qua sông Cầu đi Thái Nguyên lên Bờ Đậu, vượt Đèo Khế sang Bình Ca Tuyên Quang được sửa chữa, đảm bảo giao thông thông suốt để ô tô vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực, thực phẩm, công văn, tài liệu, sách báo vào chiến khu, phục vụ chuẩn bị những chiến dịch tấn công địch.
Trung tâm An toàn khu là vùng rừng núi hiểm trở, những con đường mòn phải qua nhiều đèo dốc, khe suối. Con sông Phó Đáy chảy giữa lòng An toàn khu. Thời gian này Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại những địa điểm bên hữu ngạn như Khấu Lấu, hang Bòng xã Tân Trào. Trong khi cơ quan Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ, Văn phòng Hội đồng quốc phòng tối cao lại ở Lập Binh, tả ngạn sông. Các cơ quan Trung ương Đảng, cơ quan Trung ương các đoàn thể, các bộ hầu như đặt trụ sở bên hai bờ con sông này. Mùa mưa nước sông, suối dâng cao, gây ngập lụt trên diện rộng, cản trở việc đi lại. Khắc phục một phần tình trạng trên, thứ trưởng Bộ Giao thông- Công chính giao cho Trưởng ty Công chính Nguyễn Khắc Tự thiết kế một cây cầu treo qua sông Phó Đáy.Yêu cầu tải trọng là mỗi lần một người, một ngựa. Trong điều kiện vật liệu thiếu thốn, cán bộ và công nhân Ty Giao thông công chính đã thi công chiếc cầu treo bằng cách lấy dây thép điện thoại phi 4mm, dùng tời gỗ xoắn lại, tổ hợp thành dây cáp chủ. Dầm cầu được làm bằng tre. Mặt cầu rải bằng các thanh tre, đan phên, trên cùng đắp đất. Cầu làm xong trước mùa mưa năm 1949. Đây là chiếc cầu treo đầu tiên trên địa bàn Tuyên Quang- chiếc cầu kháng chiến. Chiếc cầu đưa vào sử dụng, góp phần phục vụ Bác Hồ, các đồng chí Trung ương và cán bộ đi công tác thuận lợi hơn. Tuy nhiên do thiếu vật liệu chuyên dụng và chưa có kinh nghiệm nên cầu kém độ vững vàng. Có lần đi qua, cầu bị rung, Bác Hồ nói vui: “ Cầu các chú bắc đi vừa lê vừa dung”. Người có ý nhắc đến tác giả cây cầu là Thứ trưởng Lê Dung.
Thu- Đông năm 1950, bộ đội ta mở chiến dịch Biên giới. Đây là chiến dịch lớn đầu tiên kể từ ngày toàn quốc kháng chiến. Từ Tân Trào Bác Hồ đích thân ra mặt trận quan sát và chỉ đạo. Thắng lợi lớn của chiến dịch Biên giới là xóa sổ hai binh đoàn quân Pháp do Sác tông và Lơpagiơchỉ huy; giải phóng các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn và tuyến biên giới dài …. Km.
Sau chuyến công tác ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và sau Chiến thắng Biên giới cuộc kháng chiến của nhân đân ta tranh thủ được sự ủng hộ của viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và của các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa. An toàn khu của nước Việt Nam kháng chiến được nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng Biên giới đồng thời mở ra một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến – giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công..
Nhiệm vụ giao thông vận tải đặt ra hết sức nặng nề. Một mặt mở tuyến mới nối dài đường từ An toàn khu, từ căn cứ địa Việt Bắc ra mặt trận; một mặt sửa chữa tuyến đường đã có.
Chuẩn bị cho những chiến dịch lớn, giao thông vận tải cần đi trước một bước. Các quốc lộ số 1, quốc lộ 2, quốc lộ 3 và quốc lộ 13A- những con đường từ Việt Bắc lên biên giới phía bắc được khẩn trương sửa chữa và nâng cấp một bước. Viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam được chuyển theo tuyến đường Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên- Tuyên Quang.
Thời gian từ cuối năm 1950 đến cuối năm 1952, nhân dân Tuyên Quang cùng ngành giao thông - vận tải tiếp tục sửa chữa nhiều tuyến đường nội tỉnh và tuyến đường trọng yếu trong căn cứ địa Việt Bắc, có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch những chiến dịch lớn: Chiến dịch Trần Hưng Đạo, cuối năm 1950, tấn công tiêu diệt nhiều vị trí ở Trung du, giải phóng phần phía bắc hai tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám tháng 3 năm 1951, giải phóng và hai huyện Bình Liêu, Hoành Mô; Chiến dịch Quang Trung mùa hè năm 1951, đánh vào vùng Hà Nam Ninh, con trai duy nhất của Tướng Đờlát chết trong chiến dịch này; Chiến dịch Hòa Bình, cuối năm 1952. Các chiến dịch từ cuối 1950 đến tháng 6 năm 1951 loại khỏi vòng chiến đấu 1 vạn quân địch. Riêng Chiến dịch Hòa Bình, sử gia phía đối phương thú nhận: Chiến dịch Hòa Bình đối với Pháp cũng tổn thất về sinh mạng và trang bị không kém gì chiến dịch Biên giới trước đó và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.
Ngày 25-12-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 72-SL, thành lập Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính. Đến năm 1952, Sở Vận tải có năm chi sở tại các địa phương: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình và Thanh Hóa. Các chi sở hoạt động cho đến tháng 7-1952 thì giải thể, bàn giao phương tiện vận tải thô sơ cho các địa phương.
Năm 1952, Trung ương chỉ đạo chuẩn bị triển khai Chiến dịch Tây Bắc.
Đây là lần đầu tiên ta mở chiến dịch lớn trên địa hình hiểm trở, mặt trận xa trung tâm căn cứ địa Việt Bắc. Vì vậy đảm bảo được giao thông- vận tải là đảm bảo thắng lợi của chiến dịch. Trung ương giao các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc huy động dân công mở mới đường Yên Bái - Nghĩa Lộ- Ba Khe - Cò Nòi. Con đường này là đường 13A từ Thái Nguyên qua thủ đô kháng chiến Tuyên Quang lên Tây Bắc. Bốn tỉnh trên đông thời có nhiệm vụ trực tiếp sửa đường sá, cầu phà đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch.
Trong hai năm 1951-1952, ngành giao thông - vận tải Tuyên Quang đã huy động trên 1 triệu ngày công để sửa chữa gần 170km đường ô tô thuộc các tuyến đường chiến lược quan trọng, đó là “mạch máu” nuôi dưỡng các chiến dịch như đường 13A, Quốc lộ 2, đường Bắc Mục - chợ Ngọc - ngã ba Đông Lý. Các tuyến đường ở Tuyên Quang thời gian này được Trung ương phân loại như sau: Đường 13A: ưu tiên loại 1; Quốc lộ 2: ưu tiên loại 2; đường Bắc Mục, Chợ Ngọc đến ngã ba Đông Lý: ưu tiên loại 3. Từ 1951-1952, các tuyến đường này được tỉnh đầu tư khôi phục, sửa chữa, đảm bảo lưu thông cho các phương tiện cơ giới hạng trung xa. Do nằm ở vị trí có những tuyến đường chiến lược chạy qua, Tuyên Quang luôn là mục tiêu đánh phá của máy bay địch, nhất là các ngả đường giao thông ra mặt trận Tây Bắc, hòng ngăn chặn đường tiếp tế của ta. Địch ngày đêm ném bom, bắn phá các trọng điểm giao thông. Chỉ riêng năm 1952, trong 97 lần địch oanh tạc có 96 lần chúng ném bom, bắn phá vào đường giao thông và các trọng điểm như Đèo Khế, Cầu Trầm, Cầu Sơn Dương, Bến Bình Ca, Bến Hiên. Chiếc cầu Chả, chiếc cầu bê tông duy nhất còn lại, cửa ngõ vào thị xã Tuyên Quang chỉ dài chưa đến 20m đã bị địch đánh bom 7 lần nhưng cầu vẫn đứng vững.
Tại ngã ba Đông Lý - Thác Bà (Yên Bình) địch đánh rộng tới 2,3km2.
Những năm 1950-1952, phương tiện vận tải thô sơ đường bộ Tuyên Quang có: 119 chiếc thuyền, 34 xe ngựa, 35 xe trâu và 160 xe đạp thồ. Số xe đạp thồ sau tăng lên 216 chiếc.
Đến tháng 10-1953, phương tiện đường thủy Tuyên Quang có 133 chiếc thuyền, trong đó: 100 chiếc trọng tải từ 2 - 4 tấn; 20 chiếc trọng tải từ 1 - 5 tấn; 13 chiếc trọng tải 7 tấn. Chân sào có 100 người, kể cả lái.
Công tác giao thông vận tải được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Một lần Bác Hồ cùng thứ trưởng Bộ Giao thông - Công chính Lê Dung trực tiếp đi kiểm tra công tác sửa đường. Một hôm đến thăm tổ đục đá trên đường 13A, Bác hỏi:
- Các chú cầm choòng như thế có rát tay không?
- Thưa Bác, chúng cháu làm đã quen nên không rát mấy.
Vừa lúc một dân công do hồi hộp nên nện búa chệch, suýt vào tay người cầm. Cả hai nhìn Bác lúng túng.
Bác Hồ vội tìm thanh tre tươi dài khoảng một mét gập đôi, kẹp lấy choòng rồi buộc chặt lại. Xong đâu đó, Bác ngồi xổm hai chân so le vững chắc, hai tay vươn ra cầm thanh kẹp, đưa choòng vào vị trí đục. Bác giục:
- Chú cứ đập thật mạnh.
Người cầm búa chần chừ. Bác đưa mắt khích lệ. Nhát búa đóng chắc vì cây choòng đứng vững; khoảng cách giữa tay giữ và đầu búa xa nhau nên không sợ đóng chệch. Nhìn những nhát búa nhịp nhàng, chắc chắn, Bác nói:
- Người ngồi phải có thế. Người đóng phải cẩn thận nhằm trúng đầu choòng mà nện .
Đêm ấy tổ công binh đang sửa mố cầu hỏng trên đoạn đường gần bến phà Bình Ca. Người sửa cầu vừa lập cập từ dưới làn nước lạnh cóng sà vào bếp lửa sưởi thì thấy một cụ già và hai người lạ nữa bước tới. Cụ già ân cần hỏi:
- Chú có quần áo khô để thay không?
- Dạ, thưa thật là không có.
Cụ già liền mở túi lấy ra một chiếc áo cũ đưa cho. Người sửa cầu nắm lấy hai tay cụ cảm ơn.
Tại Đại hội Cán bộ gương mẫu, anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, người sửa cầu báo cáo thành tích, kể lại chuyện được cụ già cho áo. Bác Hồ gắn huy hiệu cho người vừa báo cáo, Bác hỏi:
- Thế chú có nhớ tên ông cụ tặng áo cho không?
- Dạ do bất ngờ và sơ suất cháu đã không kịp hỏi. Bác Hồ nhìn ấu yếm, xiết chặt tay người sửa cầu, nói:
- Thế thì Bác cháu ta đã gặp nhau rồi đó.
Kết thúc Chiến dịch Tây Bắc Thu Đông 1952, ta đạt được thành công trong nhiệm vụ tranh thủ nhân dân và phóng đất đai. Mùa hè năm 1953, ta mở chiến dịch Thượng Lào với tinh thần “ Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình”. Chiến dịch Thượng Lào đã giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phong xa Lỳ; nối liền hậu phương kháng chiến Lào với vùng tự do Tây Bắc và Khu 4 của Việt Nam.
Trong thành công của hai chiến dịch đó, đóng góp của giao thông vận tải từ thủ đô Kháng chiến là rất lớn.
Nhằm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, mạng lưới giao thông trục chính tiếp tế vận tải được hình thành như sau:
Tuyến Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái - Ba Khe - Cò Nòi –Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Đây là hướng tuyến chính, có khối lượng vận tải lớn, nhất là vũ khí.
Tháng 7-1953, Tuyên Quang mở chiến dịch cầu đường, huy động 1.021.136 ngày công sửa chữa toàn bộ hệ thống đường dài 168km. Dưới bom đạn, công nhân cầu phà vẫn bảo đảm thông đường, thông phà trong thời gian ngắn nhất, kể cả những lúc cao điểm. Thời gian trực phà rút từ 60 phút xuống còn 30 phút; qua phà từ 30 phút rút xuống còn 8 phút. Nhiều khi phải làm việc liên tục 14 giờ. Mức vận chuyển trước là 20 xe, tăng lên 64 xe/ngày. Từ 29-11-1953 đến 7-5-1954 đã có 4.734 lượt xe ô tô từ Thái Nguyên qua phà Bình Ca. Nhiều lái xe của Tuyên Quang tham gia lái xe phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Để tăng cường lực lượng xung kích bảo đảm giao thông, tỉnh đã thành lập 2 đại đội thanh niên xung phong C16 và C17. Đồng thời Tỉnh đội Tuyên Quang thành lập một đại đội cao xạ trực chiến ngày đêm bảo vệ bến Bình Ca. Các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, những nơi có quốc lộ hoặc đường chiến lược đi qua đều có ban bảo vệ giao thông. Các xã trong ba huyện này có Đội bảo vệ từ 10 đến 15 người làm nhiệm vụ tuần tra , bảo vệ cứu ứng đường sá, cầu phà, bảo vệ nơi cất giấu ô tô, theo dõi phát hiện bon nổ chậm dọc tuyến đường, làm biến báo “ có máy bay”, sẵn sàng kịp thời sửa đường, cầu, phà ngay sau khi bị địch đánh phá là hư hại.
Bến Bình Ca là trọng điểm số 1 bị địch đánh phá, ban ngày phải dìm phà xuống đáy sông, ban đêm lại trục phà lên. Tần suất vận chuyển từ 20 xe một đêm lên 60 xe một đêm. Tính riêng từ ngày 29-11-1953 đến 7-5-1954 đã có 734 lượt xe từ Thái Nguyên qua phà Bình Ca sang bến Hiên. Tại bến Hiên, về mùa đông sông Chảy nước nông, không đủ dìm phà. Vì thế ban ngày phải đưa phà rời xa bến cất giấu dưới bóng cây cổ thụ, gần tối mới đưa phà về bến hoạt động.
Bác Hồ gặp gỡ, nói chuyện, động viên thanh niên xung phong và dân công bám trụ làm đường phục vụ chiến dịch. Đến đèo Khế, Bác hỏi cán bộ phụ trách là Đỗ Anh Tú:
- Nếu Đèo Khế và bến phà Bình Ca bị tắc chú giải quyết thế nào?
Do đã chuẩn bị các phương án đối phó, Đỗ Anh Tú nói:
- Báo cáo Bác, nếu mưa lũ hoặc bom đánh lấp đường thì nhanh chóng sửa hoặc làm đường tránh. Một chiếc phà dự phòng đã được đóng xong, ngụy trang kín đáo neo ở cửa ngòi, đảm bảo trong mọi tình huống phà vẫn hoạt động.
Nghe cán bộ phụ trách trả lời rành rọt, dứt khoát, Bác Hồ tỏ ý hài lòng, nói:
- Bây giờ mời chú cùng lên xe ta đi kiểm tra.
Sau khi xem xét thực tế các tuyến chính, các vị trí xung yếu đều có hầm hào ngụy trang, đường tránh dự phòng, Bác Hồ cho xe vượt bến Bình Ca, đến Chùa Hang thì dừng lại. Bác hỏi tiếp:
- Từ đây đến phà Hiên còn vướng gì không?
- Thưa Bác, đoạn này không có đèo dốc hiểm trở, độ chênh mặt đường với địa hình hai bên ít, có nhiều lối để đi tránh, nên khá thuận lợi.
Nghe xong Bác nói:
- Bây giờ Bác hỏi câu này, bất kể ngày hay đêm khi máy bay địch bắn phá, chú có dám ra ngay mặt đường để chỉ huy khác phục không?
Không chút do dự, Tú đứng thẳng đáp: - Thưa Bác cháu hứa làm được.
Bác Hồ âu yếm gật đầu, bước lại gần, lấy từ túi áo ngực tấm huy hiệu của Người trang trọng cài lên ngực áo trấn thủ của Tú.
Đó là huy hiệu được trao trực tiếp từ tay Cụ Hồ tới người được nhận. Cũng là huy hiệu Bác Hồ đầu tiên mà cán bộ ngành giao thông Tuyên Quang được nhận.
Năm 1953, Tuyên Quang huy động 9.762 người tham gia 3 đợt dân công phục vụ chiến dịch Tây Bắc với 1.021.738 ngày công. Các bến phà Bình Ca, Bến Hiên phải có ít nhất từ 3 đến 4 con phà dự trữ. Ngoại trừ cây cầu qua sông Phó Đáy ở huyện lỵ Sơn Dương là cầu sắt, còn lại các cầu trên con đường 13A cũng như cầu trên những tuyến khác đều làm bằng gỗ. Nhu cầu gỗ dùng trong giao thông rất lớn. Đầu tháng 1- 1954, tỉnh tập trung thợ rèn, thợ mộc tay nghề cao để thành lập “ Xưởng phà XP-154”. Đồng chí Nguyễn Công Hòa được bổ nhiệm làm xưởng trưởng. Công việc chính của xưởng là xẻ gỗ đóng phà, gỗ làm cầu. Trong điều kiện thiếu thốn về vật tư, nguyên vật liệu, song với ý chí và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, Xưởng phà XP - 154 vừa được thành lập, lần đầu tiên đã đóng được phà gỗ 8 tấn, chuyên chở phương tiện vận tải. Đoàn thuyền của Công đoàn vận tải sông Lô từ thị xã Tuyên Quang được điều sang phía sông Chảy, tăng cường lực lượng bắc cầu phao. ( Trước năm 1956, huyện Yên Bình thuộc Tuyên Quang). Vật liệu làm cầu phao chủ yếu là tre, mai, luồng. Những thân tre dài, xếp dọc theo chiều dòng chảy, được kết lại bằng dây. Mặt cầu được phủ một lớp phên đan dày để bộ đội hành quân được dễ dàng. Mỗi tuyến cầu gồm 3 cầu đơn như thế, làm cho bề mặt cầu rất rộng. Trong khoảng thời gian ngắn đã có 50 chiếc cầu phao được hoàn thành. Tại các bến phà Bình Ca, Bến Hiên, Bến Chợ Ngọc, các đơn vị bảo đảm giao thông còn làm cầu phao ghép từ các thuyền để các phương tiện vận tải, bộ đội, dân công và nhân dân qua sông an toàn
Chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ cuối năm 1953, đầu năm 1954, Tuyên Quang đã liên tục huy động các đơn vị vận tải phục vụ tiền phương quy mô lớn Đầu năm 1954, nhu cầu vận chuyển cho mặt trận tăng lên gấp bội. Con đường 13A càng trở nên quan trọng, mật độ xe qua phà dày, từng đoàn bộ đội, dân công rầm rập ra mặt trận. Trước tình hình đó, tại các bến phà phải thêm cầu.
Cán bộ, công nhân giao thông còn có sáng kiến thiết kế bến phà giả ở Bến Chợ Ngọc, Bến Hiên để đánh lừa phi công địch. Thân phà giả được ghép bằng thân cây chuối, có ngụy trang, nhưng để lộ một vài sơ hở. Bền phà giả cũng bố trí “ trận địa phòng không” . Nòng cao xạ là những đoạn thân cây mai, sơn hắc ín, không khác gì cao xạ thật. Sáng kiến này thu được kết quả ngoài mong muốn. Địch bị lừa, tập trung đánh phá bên phà giả ở chợ Ngọc. Bến phà Hiên giảm đáng kể cường độ đánh phá của địch.
Đường 13A là huyết mạch chiến lược từ hậu phương ra mặt trận, đầu năm 1954, Trung ương chủ trương làm một tuyến dự phòng bảo đảm giao thông thông suốt, trong trường hợp đường 13A bị địch đánh phá không vận chuyển được. Công trường II được thành lập với nhiệm vụ của công trường là mở tuyến dự phòng chiến lược có thể thay thế đường 13A đoạn Đèo Khế và Bình Ca.
Điểm đầu tuyến dự phòng là xã Quảng Nạp, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, điểm cuối là xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Hội đồng cung cấp Trung Ương cử ông Đặng Hạ làm Trưởng ban chỉ huy công trường. Kỹ sư Ngô Văn Dương phó Giám đốc Nha Giao thông làm phó ban. Khu ủy Liên khu Việt Bắc chỉ định ban cán Đảng do đồng chí Đặng Hạ làm Trưởng ban. Hai Tỉnh ủy Thái Nguyên và Tuyên Quang đều cử một đồng chí Tỉnh ủy viên, tham gia Ban Cán sự công trường và chịu trách nhiệm phần đường trên địa bàn mỗi tỉnh. Người phụ trách phần đường của Tuyên Quang là đồng chí Lê Tùng. Mỗi tỉnh huy động 5.000 dân công. Để bảo đảm bí mật cho An toàn khu nên chỉ huy động dân công là người địa phương. Công trường vừa khảo sát vừa thi công, cán bộ chuyên môn kỹ thuật rất thiếu. Tuyên Quang phải huy động học sinh trường cấp III Tân Trào ra công trường giúp đo đạc tính toán và hướng dẫn dân công làm đường. Dân công làm đường được huy động qui mô lớn, diễn ra liên tục, đợt nọ nối đợt kia. Phong trào “ Đi dân công là yêu nước” phát triển rầm rộ. Tỉnh đội Tuyên Quang thành lập đại đội phòng không, mỗi huyện thành lập một ban bảo vệ Để bảo vệ giao thông - vận tải. Các xã có đội bảo vệ từ 10 đến 15 người để tuần tra bảo vệ đường, nơi cất giấu ô tô, phát hiện bom nổ chậm. Dọc các tuyến đường, công tác bảo vệ cầu đường được giao cho các tổ sản xuất, vừa sẵn sàng sửa đường ngay sau khi địch bắn phá, vừa làm biển báo có máy bay, cọc tiêu chỉ đường cho xe chạy đêm.
Năm 1954 số ngày công là 1. 854.360. Trong đó thị xã Tuyên Quang có một đoàn xe đạp thồ, cả người và xe làm nghĩa vụ dân công phục vụ chiến dịch.
Ngày 7-5-1954, tuyến đường sắp hoàn thành thì vui mừng được tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Trong giai đoạn 1947-1954, giao thông - vận tải Tuyên Quang đã góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng việc xây dựng và giữ vững những con đường giao liên, những tuyến đường vận tải, những phương tiện chuyên chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và nhiều hàng hóa phục vụ bộ đội chiến đấu dịch Điện Biên Phủ.
IV. HÀN GẮN VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH CHO NHỮNG CON ĐƯỜNG
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp nghị Giơ ne vơ đem lại hòa bình ở Đông Dương. Song nền hòa bình chưa vững chắc và trọn vẹn. Một nửa đất nước từ vĩ tuyến 17 trở vào còn do đối phương kiểm soát. Đế quốc Mỹ ráo riết thực hiện mưu đồ hất cẳng Pháp biến Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới.
Nhiệm vụ cách mạng của Bắc là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Những năm đầu sau khi có hòa bình, miền Bắc tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế.
Năm 1954, Chính phủ thành lập các bộ Giao thông- Vận tải, Kiến trúc, Thủy Lợi trên cơ sở của Bộ Giao thông - Công chính. Theo đó, ở địa phương, Ty Giao thông- Vận tải Tuyên Quang được thành lập. Những năm sau đó, cán bộ ký thuật được bổ sung. Đến năm 1957, Ty Giao thông Tuyên Quang 41biên chế gồm một Trưởng ty, một Phó trưởng ty và 4 ban: Hành chính, Vận tải, Cung ứng - Tài vụ và Quản lý đường sá. Các hạt có 61 biên chế; bến phà và Xưởng phà có 107 biên chế. Các đơn vị do ty quản lý lần lượt ra đời: Đội công trình cầu cống; Tổng đội công trình; Đoạn bảo dưỡng đường bộ Tuyên Quang; Xí nghiệp cơ khí cấp III chuyên sửa chữa các phương tiện cơ giới; Xưởng phà XP - 54 nâng cấp thành Xí nghiệp phà 5 tháng 8, chuyên chế tạo phà thép trọng tải 18-20 tấn; Tiểu ban vận tải. Đồng thời lập hơn 100 tổ bảo vệ, gồm trên 2.000 người; phân công mỗi xã phụ trách một phần đường, khi xảy ra sự cố cản trở, ách tắc giao thông, xã đó phối hợp với bộ phận tu bổ để cùng khắc phục hậu quả cùng nhân dân bảo vệ cầu đường. Các bến đò ngang giao cho các xã quản lý.
Thực hiện cải tạo công thương nghiệp, xí nghiệp công tư hợp doanh vận tải ô tô với 12 đầu xe và 24 phương tiện vận tải cơ giới. Năm 1963 Xí nghiệp vận tải công tư hợp doanh trở thành Công ty vận tải ô tô Tuyên Quang.
Ngành giao thông - vận tải cũng cải tạo và tổ chức được 34 xí nghiệp công tư hợp doanh, tổ chức trên 3 vạn người làm vận tải thô sơ vào 197 hợp tác xã thuyền và 213 hợp tác xã vận tải xe thô sơ.
Ty Giao thông-Vận tải Tuyên Quang chỉ đạo các hạt giao thông huyện khôi phục những đoạn đường, những cây cầu bị địch đánh phá trên đường 13A, quốc lộ 2 và hàng trăm km đường dân sinh tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải cơ giới trở lại lưu thông bình thường; đồng thời các phương tiện giao thông thô sơ như ngựa thồ, xe ngựa, xe trâu... có điều kiện khai thác, sử dụng; kích thích sự trao đổi hàng hóa.
Các sinh viên Khóa 6, Trường cao đẳng Giao thông - Công chính vừa tốt nghiệp đã tham gia khảo sát, đo đạc, thiết kế và hướng dẫn kỹ thuật cho dân công.
Điều động hơn 10.000 công nhân khai thác gỗ, sản xuất được 60.000 thanh tà vẹt, trên 3.000m3 gỗ cầu (nhóm tứ thiết) phục vụ việc phục hồi tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.
Đến năm 1956, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh cơ bản được khôi phục, nâng cấp gồm133 Km đường do Trung ương quản lý và 162, 8Km đường do địa phương quản lý; xây dựng một số cầu mới; bắc mới nhiều cầu gỗ, cầu treo như cầu Đài Thị, Ngòi Nẻ, Sơn Dương; làm đường ngầm thay cầu gỗ; bước đầu xây dựng đường giao thông nông thôn cho xe thô sơ hoạt dộng nhằm giải phóng đôi vai.
Năm 1960, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của giao thông Tuyên Quang, mở đầu là sự kiện mở tuyến đường từ thị trấn Vĩnh Lộc đi xã Minh Đức. Chiêm Hóa là một huyện địa bàn rộng, năm 1960, đường ô tô mới đến thị trấn Vĩnh Lộc, vùng thượng huyện rộng lớn gồm xã việc vận chuyển, đi lại gặp nhiều khó khăn. Huyện Chiêm Hóa sở tại và các huyện giáp ranh: Hàm Yên, Yên Sơn đưa lên công trường 5.000 thanh niên xung phong, dân công. Tuyến đường thuộc thượng huyện Chiêm Hóa, địa hình phức tạp, nhiều khe suối, đèo dốc. Trong đó đoạn vượt Đèo Lai, là khó khăn nhất. Đèo dài 4.100m m, độ dốc lớn, địa chất phần nhiều là đá sít rắn. Toàn tuyến phải làm mới 12 cầu gỗ, 12 đường ngầm, 76 chiếc cống. Cán bộ ngành Giao thông ngày đêm có mặt trên công trường, hướng dẫn dân công làm đúng qui trình, bảo đảm an toàn lao động. Trong vòng một năm tuyến đường dài 31 Km hoàn thành đúng kế hoạch. Tuyến đường đưa và sử dụng làm thay đổi diện mạo các xã bắc Chiêm Hóa: Phúc Sơn, Minh Đức, Thổ Bình, Bình An, Hồng Quang, Minh Quang. Tuyến thị trấn Vĩnh Lộc- Minh Đức hoàn thành còn giúp rút ngắn thời gian thi công công trình thủy nông Thổ Bình. Công trình trung thủy nông đầu tiên của tỉnh, đảm bảo nước tưới cho hàng trăm ha ruộng hai vụ của các xã tượng huyện.
Tuy nhiên đến thời điểm này huyện Nà Hang vẫn chưa có đường ô tô. Huyện Nà Hang địa bàn rộng, dân cư thưa với 22 đơn vị hành chính còn nhiều cách biệt với tỉnh lỵ và các huyện phía nam. Thời đó huyện vùng cao này được mệnh danh là “ Nà Hang quốc”. Năm 1961, lãnh đạo tỉnh chủ trương mở đường ô tô từ Đầm Hồng đến huyện lỵ Nà Hang. So với tuyến Vĩnh Lộc - Minh Đức tuyến Đầm Hồng- huyện lỵ Nà Hang dài hơn, phải vượt nhiều khe suối, đèo dốc hơn. Trong những đèo dốc đó thì đèo Cổ Yểng, cách huyện lỵ Nà Hang 10 Km về phía nam là cao nhất, khó khăn nhất. Tỉnh ủy đã cho thêu lá cờ thi đua luân lưu với dòng chữ “ Chiêu mộ anh hùng phá đèo Cổ Yểng” để tặng cho đơn vị đạt thành tích xuất sắc nhất toàn công trường. Công tác hậu cần phục vụ cho dân công, cán bộ làm đường Chiêm Hóa- Nà Hang có khối lượng lớn hơn, vận chuyển xa hơn. Do tính chất phức tạp của địa hình và nhiều khó khăn nên tổ chức và kế hoạch thi công được đổi mới căn bản. Lực lượng thi công được tổ chức theo mô hình quân đội. Hơn 4.500 dân công thành lập 5 tiểu đoàn, sinh hoạt, lao động theo kỷ luật quân đội. Kế hoạch thi công thực hiện làm hai đợt. Đợt I mở tuyến, đánh thông toàn bộ chiều dài con đường 40 Km. Toàn bộ lực lượng 5 tiểu đoàn dải quân trên từng đoạn, nhất loạt khởi công vào ngày 19-3-1961. Nhiều tấm gương lao động quên mình. Sau hai tháng lao động vất vả, đợt một hoàn thành, tuyến đường khai thông. Lễ thông xe tổ chức đúng 19-5-1961, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 71. Đó là thành tích của đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang mừng thọ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đợt I thông tuyến, đợt II chiến dịch thi công hoàn thiện mặt đường, gia cố những đoạn xung yếu cả ta luy dương lẫn ta luy âm.
Việc mở đường thắng lợi hai tuyến thị trấn Vĩnh Lộc- Minh Đức và Đầm Hồng - huyện lỵ Nà Hang mang ý nghĩa chính trị lớn. Trước đó vào khoảng năm 1958, tại hai huyện Chiêm Hóa, Nà Hang xảy hiện tượng mất an ninh do hoạt động của tổ chức phản động “ Nhất tân dân tộc”. Dương Trung Hiệu, một phạm nhân cùng đồng bọn lập ra tổ chức nói trên với âm mưu chống phá chế độ. Chúng dựng nên mô hình tổ chức gồm các Bộ Thủ não, Bộ Chính trị, Bộ Tuyên Truyền; phát triển cơ sở ở 24 xã; đặt 10 trạm liên lạc lên tới Cao Bằng; chuẩn bị vũ khí, lương thực, khi có thời cơ sẽ đánh chiếm huyện lỵ Chiêm Hóa, lập an toàn khu Chiêm Hóa- Nà Hang- Bảo Lạc để “ kháng chiến” lâu dài. Hoạt động của Dương Trung Hiệu là hết sức nguy hiểm, ít nhiều khiến tư tưởng một bộ phận nhân dân có phần hoang mang, dao động. Sau khi “ Nhất tân dân tộc” bị triệt phá cùng với sự kiện hoàn thành hai tuyến đường đã củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc hai huyện Chiêm Hóa, Nà Hang vào đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Năm 1961, Bộ Giao thông - Vận tải phát động phong trào thi đua làm giao thông - vận tải nông thôn, miền núi. Tuyên Quang là một trong những tỉnh luôn đạt loại khá của miền Bắc và khu Việt Bắc. Ngành giao thông - vận tải đã phát động phong trào “Giải phóng đôi vai”, kết hợp vận tải cơ giới với vận tải thô sơ, đưa hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh về vùng nông thôn và các vùng cao miền núi.
Thực hiện tốt kết hợp giao thông với thủy lợi, phát triển mạng lưới đường trục chính, đường từ thôn, xóm, bản ra đồng ruộng,và kênh mương song song với đường sá phục vụ nông nghiệp. Xã viên các hợp tác xã sắm xe cải tiến, xe ba gác, xe súc vật kéo, thuyền nan, thuyền gỗ để vận chuyển phân, giống, thóc, lúa, lâm thổ sản thay cho mang vác nặng nhọc. Phong trào giao thông - vận tải phát triển đã làm nảy nở nhiều sáng kiến như: làm cầu treo bằng song mây qua suối; đóng xe súc vật kéo có hãm, tự đổ hàng. Năm 1962, Tuyên Quang đã lập quy hoạch đường giao thông cho 46 xã.
Nhằm khắc phục khó khăn về vốn đầu tư, tỉnh chủ trương huy động toàn dân đóng góp sức người, sức của. Hằng năm mỗi người dân, ngoài nghĩa vụ dân công, còn tham gia từ 3 - 5 ngày công làm đường. Chỉ trong một thời gian ngắn huyện Sơn Dương hoàn thành đường liên xã Tân Trào - Thanh La - Trung Yên dài 17km.
Trong 5 năm (1961-1965), Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực giao thông - vận tải của Tuyên Quang số vốn chiếm 24,93% tổng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản. Tới năm 1963 có 6 trục đường trọng yếu: Quốc lộ 2; đường 13A, đường Km31, Chiêm Hóa - Nà Hang, Nà Hang - Bản Lãm, Chiêm Hóa - Minh Đức, Phúc Ứng - Sơn Nam. Các tuyến đường Bến Mục - Chợ Ngọc, Bến Mục - Chợ Thụt, Chợ Bợ - Cham Chu, Phúc Thịnh - Tân An, Thái Bình - Đạo Viên, Sơn Dương - Tân Trào tiếp tục được củng cố. Giao thông phát triển, khắc phục được tình trạng chia cắt giữa các vùng, tạo sự liên kết, thống nhất địa bàn tỉnh..
V. NHỮNG CON ĐƯỜNG GÓP PHẦN XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG VỮNG MẠNH, ĐÁNH THẮNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI, CHI VIỆN MIỀN NAM
Liên tiếp bị thất bại trên chiến trường miền Nam, để cứu vãn tình thế, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân. Tham vọng của đế quốc Mỹ là ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, làm suy giảm sức chiến đấu của đồng bào miền Nam. Mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ nhằm trước hết là các tuyến giao thông huyết mạch, các cơ sở kinh tế quốc phòng.
Quyết tâm đánh bại mưu đồ nham hiểm của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chủ trương chuyển miền Bắc sang thời chiến.
Ngày 24-7-1965, địa bàn Tuyên Quang bắt đầu bị máy bay Mỹ đánh phá. Tháng 8-1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban bảo đảm giao thông - vận tải và đề ra những nhiệm vụ: bảo đảm hành lang Quốc lộ 2, phát triển phương tiện vận tải thô sơ, tổ chức lực lượng vận tải và bảo đảm giao thông - vận tải; tổ chức các tổ, trạm báo động trên các trục đường giao thông, ngụy trang đường, cầu, cống, bến bãi; thành lập đội vận chuyển đường thủy, mở các tuyến đường vòng, đường tránh.
Tháng 10-1965, Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thành lập Tiểu đoàn xung kích. Tiểu đoàn có 500 biên chế. Đây chính là lực lượng lao động đặc biệt, tinh thần tự nguyện cao, sức khỏe tốt, đảm nhận giải quyết những khó khăn trong lĩnh vực giao thông - vận tải.
Giao thông - vận tải Tuyên Quang nhanh chóng chuyển sang thời chiến.
Phong trào toàn dân làm công tác đảm bảo giao thông được phát động trong toàn tỉnh.
Năm 1965, Trung ương giao cho Tuyên Quang một số nhiệm vụ đột xuất về giao thông: làm mới tuyến đường Nông Tiến - Đèo Muồng; tu sửa, mở rộng các trục đường Km31 - Chiêm Hóa - Đầm Hồng - Nà Hang, Sơn Dương - Tân Trào, Phúc Ứng - Sơn Nam - Quảng Cư, Sơn Nam - Phan Lương, Chợ Xoan - Nông Tiến; làm mới một số tuyến đường tránh lớn, đóng phà, ca nô và cầu phao. Tỉnh huy động một lực lượng lớn dân công tại chỗ và được tỉnh Hưng Yên đưa 1.000 thanh niên xung phong lên giúp. Số lượng dân công trên mặt đường có lúc lên tới hơn một vạn người; lực lượng các hạt giao thông lên tới 2.745 người. Cả năm đã huy động 1.481.327 ngày công (có 35.534 công lao động xã hội chủ nghĩa) để làm 74km đường mới, sửa chữa 396km đường ô tô, làm mới 4.200m cống; đóng 23 chiếc phà, một ca nô, một cầu phao (dài 135m, trọng tải 306 tấn); xây dựng cảng An Hòa; làm 27 đường ngầm, đường tránh, bến tránh và 249km đường dân sinh. Với quyết tâm trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm giao thông - vận tải thông suốt, các địa phương trong tỉnh chú ý thực hiện tốt hai khâu “vượt sông, thông tuyến”. Phương châm chủ đạo là “phá thế độc tuyến, giành thế chủ động”, tích cực thực hiện biện pháp “bốn trước” (dự đoán trước âm mưu đánh phá của địch, khảo sát thiết kế trước, chuẩn bị vật tư trước, thi công trước một phần) trong khâu thông tuyến; đồng thời chú ý việc cất giấu đò, phà, ngụy trang bến bãi trong khu vượt sông.
Cuối năm 1965, Công ty ôtô Việt Bắc được tách thành hai công ty: Công ty 10 phụ trách tuyến Thái Nguyên - Cao Bằng theo Quốc lộ 3 và Công ty 16 phụ trách tuyến Hà Nội - Tuyên Quang theo Quốc lộ 2.
Ban bảo đảm giao thông được thành lập từ tỉnh, huyện tới các xã, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, điều hòa vận tải. Các xã ven đường quốc lộ sẵn sàng huy động cùng lúc 300 - 500 người ứng cứu giao thông khi cần thiết. Cùng với các tổ quan sát, báo động, nhân dân ven các đường trục chính kịp thời làm tín hiệu phòng tránh cho các phương tiện vận tải khi có máy bay địch. Quân và dân Tuyên Quang đã góp gần 8.000 công cứu đường, cứu hàng, chuyển tải hàng hóa... Lực lượng dân quân tự vệ xây dựng 901 tổ, đội công binh bảo đảm giao thông trên các tuyến đường chiến lược, 67 đội công binh cơ động của các huyện thị (tổng biên chế là 2.099 người) chuyên sửa chữa đường, rà phá bom mìn, bắc cầu... bảo đảm thông đường với thời gian ngắn nhất. Lực lượng này đã cùng bộ đội địa phương, công nhân giao thông với sự trợ giúp của Trung ương, phá gỡ nhiều bom cỡ lớn, hàng chục ngàn bom bi, bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện giao thông - vận tải qua lại.
Đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại đòi hỏi phương tiện vận tải, máy móc thi công cầu, đường hiện đại, công xuất lớn. Từ chỗ chỉ có loại phà gỗ, sức chở 8 tấn, nay phải dùng phà vỏ thép trọng tải 18- 20 tấn; ca nô vỏ gỗ được thau bằng ca nô vỏ sắt, sức kéo lớn hơn, tuổi thọ dài hơn. Trước đây làm đường hoàn toàn dùng lao động thủ công, nay đã trang bị máy ủi, máy xúc, máy nghiền đá. Một đội cầu hạng trung được trang bị đủ phương tiện. Nâng cấp xưởng phà XP- 154 thành xí nghiệp 5-8. Về chuyên môn Xí nghiệp đặt dưới sự chỉ đạo của Cục Quản lý đường bộ, thuộc Bộ Giao thông- vận tải. Hợp doanh vận tải trước đây, nay chuyển thành Xí nghiệp vận tải thủy bộ. Xí nghiệp có số lượng lớn phương tiện vận tải: 65 xe tải, 17 xe ca, 26 xà lan, 24 ca nô lai dắt phà và xà lan, 14 phà thép hoạt động tại 9 bến: Bình Ca, Nông Tiến, Bợ ( trên sông Lô); Chiêm Hóa, Bản Lãm, Gốc Sấu ( trên sông Gâm); Thiện Kế ( trên sông Phó Đáy) và Ngòi Quẵng ( trên ngòi Quẵng).
Trên địa bàn Tuyên Quang, địch tập trung đánh phá vào các trọng điểm tuyến đường 13A, quốc lộ 2 cùng các cơ sở công nghiệp, quốc phòng. Từ năm 1965 đến năm 1967, đế quốc Mỹ đã đánh phá 231 trận vào các điểm giao thông, ném trên 3.000 quả bom các loại, phá hỏng 4 chiếc cầu, 10km đường và phá hủy một số phương tiện vận tải. Nhiều mục tiêu giao thông bị đánh phá ác liệt, đánh đi đánh lại nhiều lần như: bến phà Bình Ca, phà Hiên, cầu sắt Sơn Dương, cầu Lăng Quán, cầu Bắc Mục, cầu Hẻ. Bến Bình Ca lại trở thành trọng điểm bị địch oanh tạc. Sáng ngày 22-7- 1966, nhiều tốp máy bay địch ném bom, bắn rốc két bến Bình Ca trong lúc phà đang qua sông. Đã có 4 thủy thủ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, đó là các liệt sĩ Vân, Chi, Sửu, Toàn. .
Dù vậy, giao thông - vận tải vẫn đảm bảo và không ngừng phát triển, góp phần xây dựng hậu phương vững mạnh.
Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển khá. Năm 1960, xã Thái Long huyện Yên Sơn được Bộ Giao thông - Vận tải tặng danh hiệu “ Lá cờ đầu về giải phóng đôi vai toàn miền Bắc. Ba huyện Chiêm Hóa, Nà Hang, Yên ơn được Chính phủ tặng thưởng huân chương Lao động hạng ba. Năm 1974, tỉnh Tuyên Quang được nhận cờ thưởng luân lưu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng về thành tích “ Tỉnh miền núi làm giao thông vận tải nông thôn khá nhất.
Từ năm 1965 đến năm 1968, Tuyên Quang đã mở mới và khai thông các tuyến đường từ Nông Tiến đi Đèo Muống dài 40km, tuyến đường từ Phúc Ứng đi khu kinh tế mới Sơn Nam dài 25km, do 5.000 lao động gồm thanh niên xung phong và dân công thực hiện. Năm 1968, thị xã Tuyên Quang đã huy động mọi lực lượng tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, thi công tuyến đường từ Cầu Trượt (phố Xã Tắc) đến đầu cầu Đen và đoạn đường nhánh từ Cổng Trắng đến Gốc Táo (nay là đường Phan Thiết), tuyến đường này hoàn thành, đưa vào sử dụng là cơ sở cho việc thành lập phường Phan Thiết sau này.
Từ năm 1965 đến năm 1967, tỉnh huy động được trên 2,5 triệu ngày công để làm mới và mở rộng 402km đường trục; trong đó có 103km đường vòng, đường tránh, đưa tổng độ dài đường ô tô của tỉnh lên 877km. Nhiều tuyến đường quan trọng được khai thông. Từ chỗ chỉ có hai tuyến đường thông với Hà Nội, đến năm 1967 đã có 6 đường vòng, tránh, nối Tuyên Quang với Hà Nội. Từ 5 bến phà vượt sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy, đã phát triển lên 14 bến.
Vận tải hàng hóa, đặc biệt là vận tải phục vụ chiến đấu có khối lượng lớn, chính quyền tỉnh và lãnh đạo ngành đã chỉ đạo chặt chẽ việc phân chia khu vực, phân bổ luồng hàng, hợp đồng chặt chẽ giữa ba lực lượng vận tải (Trung ương, địa phương và nhân dân); sử dụng nhiều loại hình giao thông và phương tiện vận tải (đường sông, đường bộ; ô tô, ca nô, xe đạp thồ, xe ngựa...), để hoàn thành kế hoạch vận chuyển các loại hàng hóa, vật tư chiến lược do Trung ương giao. Xe ô tô vận tải tăng từ 41 chiếc lên 340 chiếc, khối lượng hàng hóa vận tải tăng từ hơn 69 ngàn tấn/năm 1965 lên gần 100 ngàn tấn/năm 1967. Thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp quản, vận chuyển hàng hóa từ các cửa khẩu đưa vào theo các hướng: Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên để chuyển giao cho Trung ương, Tuyên Quang đã góp phần chống địch phong tỏa miền Bắc.
Công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn luôn được lãnh đạo chú trọng.
Năm 1970 mở lớp trung cấp Giao thông tại chức, có 60 cán bộ theo học.
Năm 1972, được Bộ Giao thông- Vận tải ủy nhiệm cho Ty Bộ Giao thông- Vận tải Tuyên Quang đứng ra tổ chức, quản lý trạm đại học đào tạo kỹ sư cầu đường, cơ khí vận tải cho 4 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phú.
Khóa đào tạo do giảng viên trường Đại học Giao thông dạy với có 47 sinh viên. Đến năm 1974, toàn ngành có 28 cán bộ đại học, 107 cán bộ trung cấp trong tổng 1.860 cán bộ nhân viên. Cũng thời gian này, tỉnh đã tăng cường cho Ty Giao thông - Vận tải một số cán bộ và các lực lượng chuyên trách về giao thông - vận tải.
Ngày 1-11-1968, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt bắn phá miền Bắc Việt Nam. Trong tình hình mới, Tỉnh ủy Tuyên Quang đề ra nhiệm vụ nhiệm vụ cấp bách. Một trong năm nhiệm vụ đó là: “tích cực phát triển giao thông - vận tải; củng cố và mở rộng các tuyến đường trọng yếu có liên quan về phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, bảo đảm giao thông, đề phòng phá hoại; tận dụng năng lực vận tải đường thủy, phát triển mạnh mẽ màng lưới giao thông - vận tải nông thôn, phục vụ đắc lực cho việc phát triển nông nghiệp và bảo vệ trị an”. Năm 1968, số lượng công nhân giao thông của Tuyên Quang lên tới 3.000 người; riêng xí nghiệp đóng phà, thuyền có gần 1.000 công nhân; đóng được một lượng phà, thuyền, với tổng công suất khoảng 800 tấn và trên 1.000m cầu phao, phục vụ nhiệm vụ bảo đảm giao thông. Tại các bến phà, công nhân nêu cao khẩu hiệu “Phà chờ xe, chứ không để xe chờ phà”, đưa xe vượt sông với thời gian ngắn nhất. Nhân dân cũng làm mới 339km đường nông thôn, sửa chữa 239km đường cũ, xẻ hàng nghìn tấm ván, hàng trăm mét khối gỗ để đóng thuyền, phà, cầu phao; trồng hàng vạn cây chuối để ngụy trang các đoạn đường xung yếu, trống trải.
Từ 1969 - 1972, ngành giao thông - vận tải Tuyên Quang tiếp tục huy động các nguồn lực mở khai thông các tuyến đường , Nà Hang - Năng Khả - Thượng Lâm, Nà Hang - Bản Lãm - Đà Vị - Thượng Giáp, Tân Trào - Trung Sơn, Bình Xa - Minh Hương.
Năm 1970 sáp nhập Công ty vận tải ô tô, Xí nghiệp Phà 5 tháng 8, một phần Xí nghiệp cơ khí cấp III thành Công ty vận tải thủy bộ Tuyên Quang.
Tháng 8-1971, miền Bắc xảy ra trận lũ lụt lịch sử. Hầu hết các tuyến đường giao thông trọng yếu của Tuyên Quang đều bị lũ tàn phá, làm ngập sâu trong nước, giao thông bị ách tắc hoàn toàn trong thời gian dài. Ngành giao thông - vận tải huy động 500 công nhân và trên 100 phương tiện vận tải để chống lũ lụt, cứu người, di chuyển hàng hóa ở các kho, bãi.
Tháng 6-1972, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban bảo đảm giao thông và điều hòa vận tải do đồng chí Nguyễn Long Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh phụ trách. Ban này có nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm giao thông - vận tải, hướng dẫn nhân dân thực hiện bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho tất cả các phương tiện giao thông của Nhà nước, nhân dân. Nhân dân ở ven sông, suối nhất thiết phải có đủ đò, mảng để phòng lũ lụt.
Trong một thời gian ngắn giữa năm 1972, ngành giao thông - vận tải đã mở rộng được 20km Quốc lộ 2, trồng trên 7.000 cây ven đường; sửa chữa và làm mới 232km đường liên xã, đường trục xã; làm thêm 500 xe vận chuyển các loại. Tỉnh tự đảm nhiệm được việc đi lấy hàng do Trung ương cung cấp từ Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang (trước đây được Trung ương trợ giúp vận chuyển về tận nơi).
Từ tháng 4-1972, máy bay Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam. Từ tháng 5-1973, Tuyên Quang là nơi tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa qua đường Hà Giang. Từ Tuyên Quang, hàng hóa được chuyển về Hà Nội bằng đường sông hoặc đường bộ
Đầu năm 1973, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hòa bình lập lại, các tuyến đường được khôi phục, nâng cấp; giao thông nông thôn tiếp tục được mở rộng.
Năm 1974, Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng tỉnh Tuyên Quang Cờ luân lưu; các huyện Nà Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn và các xã Thái Long, Tam Đa được Chính phủ tặng Huân chương Lao động về thành tích làm đường giao thông. Năm 1975, Tuyên Quang có gần 3.000km đường giao thông nông thôn. Lực lượng vận tải khá mạnh bao gồm 65 xe ô tô chở hàng, 17 ô tô chở khách, 26 xà lan trọng tải 50-150 tấn, 24 ca nô kéo xà lan và chuyên chở khách, 14 phà thép. Mạng lưới giao thông đường bộ chủ yếu có Quốc lộ 2 từ Minh Cầm đi Cầu Trì - Vĩnh Tuy ; Quốc lộ 13A từ Bờ Đậu (Thái Nguyên) đến Phà Hiên; đường Đại Thị - Keo Mác từ Đại Thị (Chiêm Hóa) đi huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn); đường tỉnh Phúc Ứng - Quảng Cư (nay là Quốc lộ 2C từ Phúc Ứng đi Sơn Nam).
Sông Lô, sông Gâm được cải tạo, nạo vét, tàu trên 100 tấn có thể từ Tuyên Quang đi các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đến Hải Phòng, tới Quảng Ninh; tàu trọng tải dưới 50 tấn có thể từ Tuyên Quang đi tới Hàm Yên và Chiêm Hóa; tàu chở khách chạy các tuyến từ thị xã Tuyên Quang đến Phan Lương và từ thị xã Tuyên Quang đến Chiêm Hóa
VI. NHỮNG CON ĐƯỜNG HƯỚNG LÊN BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
Sau chiến thắng lịch sử ngày 40-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Tháng 4 năm 1976, theo Nghị quyết của Quốc Hội khóa V, hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hà Giang. Theo đó ra đời Sở Giao thông - Vận tải Hà Tuyên. Tỉnh Hà Tuyên có đường biên giáp với Trung Quốc dài 270 Km. Các huyện có đường biên là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Xí Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang. Chiều dọc địa bàn tỉnh từ Lũng Cú, Đồng Văn đến Phan Lương, Sơn Dương dài 300Km. Địa bàn rộng lớn, cộng với điạ hình hiểm trở của 7 huyện vùng cao, nhiệm vụ giao thông càng trở nên nặng nề.
Ngày 17-2- 1879, nhà cầm quyền Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam, đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ và các tỉnh lỵ Cao Bằng, Lạng Sơn, Lao Cai. Tại Hà Tuyên, từ ngày 17-2 đến ngày 6-3- 1979, chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới của tỉnh.
Mở đường phục chiến đấu bảo vệ biên giới là nhiệm vụ cấp bách
Sau khi hợp nhất ngành giao thông - vận tải Hà Tuyên đã coi trọng công tác cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Các phương tiện vận tải đường bộ được tăng cường. Ngoài các tuyến nội tỉnh, đặc biệt là các tuyến lên vùng cao, lực lượng vận tải đường bộ đã khai thác các tuyến liên tỉnh. Năm 1976 cả tỉnh có 203 ô tô vận tải, 38 ô tô chở khách.
Năm 1976, Nhà nước dành 22,20% vốn đầu tư xây dựng cơ bản (25.385 nghìn đồng) cho giao thông ở Hà Tuyên; đưa giá trị tài sản cố định của ngành giao thông - vận tải lên 25.370 nghìn đồng.
Trong hai năm 1977 - 1978, ngành giao thông - vận tải tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông như cầu treo Gốc Sấu, cầu treo Bản Lãm
huyện Nà Hang.
Năm 1978, tỉnh tổ chức hai chiến dịch vận chuyển lương thực, dầu, muối cho vùng cao.
Khi xảy ra chiến tranh ở biên giới phía Bắc ngành giao thông - vận tải đã huy động hàng vạn người sửa chữa đường, làm mới 64km đường ô tô, huy động 133 chuyến xe vận chuyển 50 tấn hàng phục vụ chiến đấu.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 16-9-1978, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Thông báo số 48-UB về thi công mở đường “Quyết thắng”. Điểm đầu đường “ Quyết thắng ”là huyện lỵ Nà Hang; điểm cuối là xã Lũng Phìn, địa điểm sơ tán của các cơ quan huyện Mèo Vạc. Đường đi qua huyện lỵ Bắc Mê, Mậu Duệ huyện Yên Minh, qua Lũng Phìn nối với huyện lỵ Mèo Vạc. Chiến dịch làm đường “Quyết thắng” được phát động trong toàn tỉnh. Đã huy động 1.142.360 ngày công, đào đắp 1.667.360m3 đất đá, mở mới145km đường và sửa 98 km mặt đường. Sau gần một năm thi công (từ ngày 5-11-1978 đến ngày 15-10-1979), đường “Quyết thắng” Nà Hang - Bản Lãm - Bắc Mê - Minh Ngọc - Mậu Duệ - Lũng Phìn thông tuyến.
Đường “ Quyết thắng” hoàn thành có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Cùng với Quốc lộ 2, tuyến từ thị xã Tuyên Quang đi thị xã Hà Giang, nối với đường “Hạnh phúc” qua bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, từ đây có một con đường thứ hai nối các huyện phía nam với các huyện vùng cao biên giới chiến sự nóng bỏng.
Năm 1978, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 246,6 nghìn tấn. Vận chuyển được 604 nghìn lượt hành khách. Có 273 ô tô vận tải, 77 ô tô chở khách.
Lực lượng vận tải do Ty Giao thông - Vận tải quản lý: Xí nghiệp vận tải ô tô, v Công ty Vận tải thủy. Hai đơn vị này phụ trách vận chuyển hàng từ các cảng, ga về một số trung tâm của tỉnh, có thể phân phối thẳng cho huyện trên đường đi và ngược lại, chuyên chở hàng thu mua từ tỉnh giao nộp về Trung ương. Lực lượng vận tải huyện chủ yếu là phương tiện thô sơ, có thể có một số phương tiện cơ giới chuyên chở từ tỉnh về huyện và ngược lại, đưa hàng hóa thu mua từ huyện về tỉnh. Lực lượng của xã chủ yếu là xe thô sơ, chuyên chở từ huyện về xã và ngược lại.
Năm 1980, tỉnh đã mở thêm các tuyến xe khách từ Tuyên Quang đến một số huyện vùng cao và tuyến đường thủy Tuyên Quang - Chiêm Hóa, nâng cấp một bước tuyến đường vùng cao; bảo đảm nhu cầu vận tải lương thực và các mặt hàng thiết yếu đối với vùng cao; thời gian này Ty Giao thông - Vận tải Hà Tuyên chuyển địa điểm từ Hà Giang về thị xã Tuyên Quang.
Ngày 16 tháng 6 năm 1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 224/TTg phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế tổng thể khu nguyên liệu giấy Hàm Yên- Bắc Quang do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị ký. Quyết định cho phép Tổng cục Lâm nghiệp được sử dụng diện tích có rừng nằm trong phạm vi ranh giới hành chính của 21 xã thuộc huyện Bắc Quang ( Hà Giang), 16 xã thuộc huyện Hàm Yên, 1 xã thuộc huyện Yên Sơn ( Tuyên Quang) làm khu vực ổn định để trồng và khai thác nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của nhà máy giấy Vĩnh Phú ( nhà máy giấy Bãi Bằng) Khu nguyên liệu được đặt tên là “Khu nguyên liệu giấy Hàm Yên- Bắc Quang”. Nhiệm vụ: cung cấp đầy đủ và ổn định nguyên liệu cho sản xuất của nhà máy giấy Vĩnh Phú có công suất thiết kế hiện tại 5 vạn tấn giấy /năm. Chuẩn bị cung cấp nguyên liệu khi nhà máy nâng công suất lên 10 vạn tấn / năm. Quốc lộ 2 đoạn Tuyên Quang- Hà Giang xuyên giữa Khu nguyên liệu nói trên. Nhằm đáp ứng vận chuyển nguyên liệu với khối lượng lớn, năm 1981, Quốc lộ 2 được đầu tư và nâng cấp mở rộng nền đường từ 6,0m lên 7,0m và mặt đường từ 3,5m lên 5,5m. Quốc lộ 2 được nâng cấp phục vụ vận chuyển và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng.
Năm 1982, đường Quốc lộ 13A đổi tên là Quốc lộ 379 (nay là Quốc lộ 37). Tháng 3-1983, Ty Giao thông - Vận tải Hà Tuyên được đổi tên thành Sở Giao thông - Vận tải Hà Tuyên
. Thực hiện Quyết định số 253-CT ngày 9-7-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về xây dựng gấp một số đường ô tô vùng biên giới phía bắc, tỉnh Hà Tuyên có nhiệm vụ mở đường vòng tránh thị xã Hà Giang và tu sửa đường “Quyết thắng” kéo dài từ Km31 xã Tràng Dương huyện Hàm Yên qua thị trấn Vĩnh Lộc huyện Chiêm Hóa - Nà Hang - Bắc Mê - Minh Ngọc - Mậu Duệ, huyện Yên Minh- Lũng Phìn tới Mèo Vạc. Con đường dài 299km theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi và hoàn thành vào cuối năm 1986.
Trong tình hình cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới vẫn còn trong giai đoạn nóng bỏng, Hà Tuyên tiếp tục tập trung mở mới 10 tuyến đường phục vụ chiến đấu với tổng chiều dài trên 118km. Một số đường vòng, độ dốc cao, đường hẹp được cải tạo và mở rộng. Trong 5 năm, tỉnh làm mới và nâng cấp 527km đường giao thông. Mạng lưới giao thông trong tỉnh bước đầu được khép kín liên hoàn, thông suốt, tạo điều kiện cho ngành vận tải kịp thời phục vụ yêu cầu thời chiến, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Đến năm 1982, ngành giao thông - vận tải có 221 người có trình độ trung học, đại học và 42 người có trình độ trên đại học, công nhân kỹ thuật thuộc khu vực nhà nước có 100 người.
Từ năm 1982 đến năm 1987, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường chủ yếu tập trung cho tuyến 1 (Hà Giang) để làm đường lên các chốt biên giới, đường và cầu đến trụ sở huyện mới sơ tán như cầu treo Bình Vàng, cầu Đông Hà, cầu Thuận Hòa thuộc huyện Quản Bạ; cầu Tràng Hương thuộc huyện Mèo Vạc; cầu Chừng, cầu Nà Trì thuộc huyện Bắc Quang; cầu Khâu Lầu, cầu Ngán Chiên thuộc huyện Hoàng Su Phì; đường Thuận Hòa - Thái An, đường Cán Tỷ - Lao Và Chải...
Tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tuyến đường Tràng Dương - Nà Hang - Thượng Giáp được Binh đoàn 12 thi công mở rộng nâng cấp đoạn từ Nà Hang đi Thượng Giáp để nối thông đến Bắc Mê, Minh Ngọc, Mậu Duệ (Hà Giang) thành tuyến đường tránh qua thị xã Hà Giang.
Năm 1984, chiến tranh biên giới phía Hà Tuyên trở nên ác liệt, dân công các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Bắc Quang mở mới, khai thông tuyến đường từ Minh Quang (Chiêm Hóa) qua Liên Hiệp, Bằng Hành đến Quang Minh (Bắc Quang). Đây là tuyến vành đai II, phía sau tuyến vành đai I nối các huyện biên giới. Dân công huyện Yên Sơn đã tham gia xây dựng tuyến đường dài 14,8km từ xóm Chanh (Nông Tiến, Yên Sơn) đến Trại Xoan ( Thượng Ấm, Sơn Dương), tạo tiền đề cho việc thay đổi Quốc lộ 379 không đi theo bến Bình Ca như trước đó. Bến phà Nông Tiến được thay thế cho bến phà Bình Ca. Dân công huyện Sơn Dương tham gia nâng cấp, mở rộng đường từ Sơn Dương đến Nà Nưa (Tân Trào). Cầu sắt cho người đi bộ được bắc qua suối Khuôn Pén vào lán Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong những ngày lãnh đạo Cách mạng tháng TámTháng 12-1986, được Trung ương cấp kinh phí, cầu phao Nông Tiến trên sông Lô được lắp và đưa vào sử dụng trong mùa khô (từ 15-4 đến 15-10 hằng năm), góp phần cải thiện đi lại cho các phương tiện vận tải và nhân dân được thuận lợi, an toàn.
Tháng 8-1986, cầu Nông Tiến được khởi công xây dựng. Đây là chiếc cầu lớn có quy mô vĩnh cửu đầu tiên vượt sông Lô tại địa bàn Tuyên Quang.
Tháng 10-1987, huyện Nà Hang phối hợp với ngành giao thông - vận tải triển khai thi công, mở mới tuyến đường từ Pó Thắc (xã Sơn Phú) đến Nà Khuyến (xã Đà Vị), công ty cầu đường giao thông TuyênQuang triển khai xây dựng cầu Đà Vị bắc qua sông Năng. Năm 1988, tuyến đường được khai thông thay thế đoạn đường Sơn Phú - Bản Lãm.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên lần thứ IV (10-1986), nhằm từng bước đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, làm quen dần với nền kinh tế thị trường; ngành giao thông - vận tải Hà Tuyên đã thực hiện chuyển đổi phương thức hoạt động. Việc điều hành, tổ chức khai thác giao thông vận tải được chuyển sang phương thức tổ chức quản lý theo ngành dọc - từ cấp tỉnh đến huyện và xuống xã, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Hệ thống giao thông được tiếp tục tu sửa, nâng cấp và mở thêm đường, cầu mới. Nhân dân các huyện Nà Hang, Hàm Yên, Yên Sơn, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ huy động 1.700.000 ngày công mở đường Thuận Hòa - Đông Hà dài 43km. Nhân dân các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Bắc Quang đóng góp 700.000 ngày công mở đường Quang Minh - Minh Quang dài 45km. Các huyện, thị còn đóng góp vật chất và nhân công tu sửa các cầu, đường, khắc phục hậu quả lũ lụt, bảo đảm giao thông. Huyện Chiêm Hóa góp trên 150 triệu đồng để cải tạo đường Chiêm Hóa - Minh Đức; huyện Yên Sơn cải tạo đường Nông Tiến - Xuân Vân, Ngòi Chanh - Trung Sơn. Việc giao lưu hàng hóa và đi lại của nhân dân thuận lợi hơn trước. Vận tải hàng hóa năm 1988 so với năm 1986 tăng 28.43% về khối lượng (tấn) và 10,72% về tấn/km. Vận chuyển hành khách tăng 26,02% lượt khách. Từ năm 1989, xóa bỏ bao cấp, các xí nghiệp quốc doanh giao thông - vận tải sắp xếp lại sản xuất, dần chuyển sang sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác theo cơ chế kinh tế thị trường.
Chủ trương phát triển giao thông của Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên trong nhiệm kỳ 1987-1991 là huy động cao hơn nữa sức mạnh của toàn tỉnh để mở mới, nâng cấp các tuyến đường, làm cầu để phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Vì vậy, tỉnh chú trọng đầu tư làm đường giao thông vào các xã biên giới, đồn biên phòng; các tuyến đường liên thôn, liên xã theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Giao thông đường thủy được chú ý phát triển, mở rộng các tuyến vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện huy động, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào vận tải hàng hóa và hành khách.
Đến năm 1990, toàn tỉnh nâng cấp được 553km đường.
Đường giao thông nông thôn vươn tới hầu hết các xã, trong đó có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho việc giao lưu hàng hóa và đi lại của nhân dân thuận lợi hơn trước.
Năm 1990 vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho ngành giao thông - vận tải Tuyên Quang khu vực Nhà nước chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản dành cho tỉnh.
Trên cơ sở kế hoạch do tỉnh chỉ đạo, ngành tập trung xây dựng dứt điểm và nâng cấp mạng đường liên huyện và liên xã, xóa dần tình trạng ách tắc giao thông. Xây dựng mặt đường nhựa hoặc bê tông ở các thị trấn, huyện lỵ.
Ngành giao thông - vận tải Hà Tuyên tạo mối liên kết chặt chẽ với các đơn vị trong ngành và các địa phương lân cận. Xí nghiệp vận tải ô tô số 2 có trụ sở tại Gia Lâm - Hà Nội, trực thuộc Bộ, được sắp xếp lại theo Quyết định số 531 QĐ/TCCB, đảm nhận vận chuyển hàng cho tuyến Hà Nội - Vĩnh Phú, Hà Tuyên - Hoàng Liên Sơn, thu gom và rút hàng ở cảng Việt Trì, các ga hàng hóa khu đầu mối Việt Trì; Xí nghiệp vận tải ô tô số 14 có trụ sở tại Hà Nội, đảm nhận vận chuyển hành khách bằng xe con và xe ca từ Hà Nội đi các tỉnh biên giới phía bắc, trong đó có Hà Tuyên
Bước vào thời kỳ đổi mới, các thành phần tham gia giao thông - vận tải ngày càng đa dạng, trong đó lực lượng tư nhân tham gia vận tải đường bộ phát triển khá mạnh. Năm 1986, toàn tỉnh có 208 xe trâu và 8 thuyền gắn máy của hợp tác xã Đức Thắng (thuộc thị xã TuyênQuang), đến năm 1990 có 90 xe trâu, 45 xe máy kéo Bông Sen, 8 thuyền gắn máy loại 45 tấn và 151 thuyền gắn máy các loại. Vận tải tư nhân có 74 ô tô vận tải các loại và 46 xe chở khách. Phương tiện vận tải phát triển đa dạng góp phần đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân.
Vận tải quốc doanh năm 1990 đạt 96.400 tấn, vận chuyển 252.800 lượt khách. Trên các tuyến đường đều có xe tư nhân hoạt động, chi phối nhiều mặt hoạt động vận tải đường trong tỉnh. Một số hợp tác xã vận tải ra đời, đổi mới phương thức hoạt động, thích ứng với cơ chế thị trường và phát triển không ngừng.
Đổi mới công tác quản lý, công ty vận tải hành khách đã thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Phần lớn các lái xe góp cổ phần và quản lý xe của mình. Chất lượng xe và chất lượng phục vụ hành khách được đề cao. Ngoài ra, thời gian này bắt đầu có thêm loại hình xe máy chở khách (xe ôm). Xe ôm dần phát triển mạnh, vì phương tiện giao thông này có thể chạy trên những con đường nhỏ, gập ghềnh, đến tận các làng bản vùng xa, vùng sâu.
Ngay từ khi mới thành lập, Ty Giao thông - Vận tải Tuyên Quang đã có phòng chuyên trách giao thông nông thôn. Phòng có nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn, thực hiện công tác giao thông - vận tải ở nông thôn, miền núi. Tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh đều có Phòng giao thông, biên chế từ 3 - 6 cán bộ. Mỗi xã đều có cán bộ giao thông chuyên trách. Sau nhiều năm phấn đấu và được Nhà nước quan tâm đầu tư, tất cả các xã trong tỉnh đều có đường ô tô đến trung tâm. Các đường làng, ngõ xóm, đường ra đồng đều được kết hợp giữa giao thông và thủy lợi. Cuối những năm 1970, thi công đường huyện, phần lớn nền đường mở mới, công trình thoát nước làm tạm, mặt đường kết cấu bằng đất. Nơi nào gần nguồn sạn thì mặt đường được cải thiện bằng vật liệu địa phương để đường đỡ lầy lội. Từ cuối những năm 1980, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện phương châm toàn dân tham gia làm đường giao thông, đem lại hiệu quả đáng kể. Hà Tuyên là một trong những tỉnh xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông nông thôn khá và vững chắc, phục vụ thiết thực cho nông nghiệp.
Hệ thống đường giao thông do huyện quản lý đến năm 1991 có 619 km; trong đó Nà Hang 134km, Chiêm Hóa 147km, Hàm Yên 77km, Yên Sơn 124km, Sơn Dương 100km; thị xã Tuyên Quang 37km. Tổng số đường nông thôn đã xây dựng được là 950 km.
Lực lượng vận tải đường sông của tỉnh phát triển nhanh. Cảng Tuyên Quang được đầu tư. Năm 1991, hệ thống đường sông do tỉnh quản lý dài 129km, có 6 bến phà và các cảng Tuyên Quang - Phan Lương trên sông Lô (69km); cảng Tuyên Quang - Đầm Hồng trên sông Lô, sông Gâm (60km). Năm 1990 có 8 tàu kéo, 152 thuyền gắn máy, 31 sà lan.
Trong thời gian 15 năm từ 1976 đến 1991, ngành Giao thông- Vận Hà Tuyên huy động 18. 500.000 ngày công mở mới đường ô tô 579 Km, đường dân sinh 750 Km; nâng cấp, cải tạo mặt đường 261Km; xây dựng 45 cầu, tổng chiều dài 2.166m. Trong đó có các cầu lớn là Cầu Yên Biên qua sông Lô dài 85 m, Cầu Chừng qua sông Bạc dài 96 m, Cầu Đông Hà qua sông Miện dài 68m và 3 cầu treo cho ô tô qua lại là Cầu Cốc Pài, Xí Mần; Cầu Bản Lãm, Nà Hang, Cầu Bình Vàng, Vị Xuyên.
Năm …… tỉnh Hà Tuyên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Danh hiệu cao quí tỉnh. Đạt được danh hiệu cao quí ấy ngành Giao thông – Vận tải có những đóng góp lớn .
VII. DIỆN MẠO GIAO THÔNG TUYÊN QUANG SAU TÁI LẬP
Sau khi tỉnh Tuyên Quang được tái lập (tháng 10-1991), giao thông còn rất khó khăn, nhiều tuyến đường thường xuyên ách tắc vào mùa mưa.
Thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt từ tỉnh đến các huyện, khai thông các tuyến đường đến 100% các xã, chỉ với số vốn 100 triệu đồng, ngành giao thông - vận tải chỉ đạo Công ty cầu đường giao thông Tuyên Quang triển khai sửa chữa 38km đường từ Tràng Dương (Km31 Quốc lộ 2) đến Chiêm Hóa. Sau 9 tháng thi công, tuyến đường đã đi lại thuận lợi, rút ngắn thời gian chạy xe tuyến Tuyên Quang - Nà Hang từ 9 giờ xuống còn 4 giờ.
Từ năm 1992, tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường, các công trình đường ngầm, cầu treo, bến phà để ô tô đến được 9 xã chưa có đường ô tô. Tháng 5-1995, bến phà Tứ Quận hoàn thành, đường ô tô đã tới 145/145 xã, phường toàn tỉnh.
Tại thị xã Tuyên Quang, năm 1992 đường dẫn cầu Nông Tiến, đoạn thành Nhà Mạc đi Sở Giao thông - Vận tải hoàn thành phần nền đường, đường 17 tháng 8 và Quốc lộ 2 qua thị xã được nâng cấp rải asphalt.
Trong hai năm 1994-1995) ngành giao thông - vận tải Tuyên Quang phối hợp với Cục đường bộ xây dựng, quy hoạch giao thông toàn tỉnh đến từng xã, từng thôn.
Từ năm 1995 đến năm 2000, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm vụ của ngành giao thông - vận tải là nâng cấp, cải tạo đạt mục tiêu nhựa hóa các quốc lộ, các tỉnh lộ đến các huyện; cải tạo, nâng cấp đường đến các xã ; từng bước thay thế 7 bến phà bằng cầu; đảm bảo lưu thông đi lại từ Tuyên Quang đến Hà Nội và các huyện trong tỉnh không bị ách tắc khi nước lũ tại Tuyên Quang đạt cốt 29,00m.
Một phần nguồn vốn ODA và các nguồn viện trợ khác cho Tuyên Quang trong 5 năm (1996 - 2000) đạt 247 tỷ đồng đã được đầu tư cho phát triển giao thông.
Ngành giao thông - vận tải tỉnh đầu tư, nâng cấp tuyến Hùng Mỹ - Phúc Sơn, Thượng Lâm - Thúy Loa, Quốc lộ 37, một số đoạn trên Quốc lộ 2. Hoàn thành xây dựng cầu treo Chinh, Pác Trang và Sinh Long. Trong hai năm (1996-1997), toàn tỉnh đã huy động trên 1.170.000 ngày công và hàng nghìn tỷ đồng để làm mới, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, mở thêm một số tuyến đường liên xã, thôn, bản
Tính đến cuối năm 1997, tổng chiều dài mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh là 2.239,1km; trong đó có 251,1km đường bê tông, nhựa; 200,5km đường cấp phối, 40km đường gạch và 1.746,5km đường đất.
Bằng các nguồn vốn đầu tư của tỉnh và vốn ODA như: Phát triển nguồn lực (IFAD), vốn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản, hệ thống giao thông của Tuyên Quang được cải thiện rõ rệt.
Hoàn thành xây dựng 6 cầu lớn gồm:
Cầu Nông Tiến nằm trên quốc lộ 37. Đầu cầu phía hữu ngạn thuộc phường Minh Xuân. Đầu cầu tả ngạn thuộc phường Nông Tiến. Cả hai phường đều thuộc thành phố Tuyên Quang. Cầu nối thành phố Tuyên Quang với huyện lỵ thị trấn Sơn Dương và thành phố Thái nguyên. Lý trình 211+ 925. Chiều dài cầu: 450,75 m. Chiều rộng: 10,9m.
Bề rộng xe chạy: 7m. Tĩnh không TT: 7 m. Cầu 9 nhịp. Sơ đồ nhịp: 33x2 + 42+56x4 + 42+32x2. Chiều dài nhịp: 440. Kết cấu dầm nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực; Tải trọng thiết kế H30- XB80. Tải trọng hiện tại H30- XB80. Cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô, trung tâm thị xã Tuyên Quang dài 450m, mặt cầu rộng 10 m, gồm 9 trụ, 2 mố, thi công kỹ thuật tiên tiến, có tính thẩm mỹ. Ngày 28-1-1995, Phó thủ tướng Trần Đức Lương, Bộ trường Bộ Giao thông- Vận tải Bùi Danh Lưu và Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Khiết cắt băng khánh thành. Đây là cây cầu lớn có qui mô và vĩnh cửu đầu tiên vượt sông Lô tại địa bàn thành phố Tuyên Quang. Cũng là cây cầu qua sông Lô đầu tiên của cả tỉnh Tuyên Quang Cầu khởi công xây dựng năm 1986. Do thiếu vốn, sau 9 năm thi công, năm 1995 mới đưa vào sử dụng. Vì thế dân gian có câu: “ Chín năm làm một cây cầu”. Cây cầu đưa vào sử dụng thay thế cho hai bến phà Nông Tiến và Bình Ca. Đoạn đường từ thành phố Tuyên Quang đi thị trấn Sơn Dương rút ngắn được 8 km. Cây cầu đem lại cho người dân thành phố Tuyên Quang niềm vui khôn xiết. Có nhiều người làm thơ về sự kiện này, trong đó có ông Trần Thanh Quang , nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang:Ai qua Nông Tiến chiều nay/ Đò ơi đã có một cây cầu dài/ Mỗi bên cầu gánh một vai/ Đôi bờ thành một cho người ngẩn ngơ.
Tiếp đó 4 cây cầu lớn được xây dựng: Cầu Quẵng năm 1997; Cầu Chiêm Hóa năm 1998; Cầu Thác Ông trên Quốc lộ 37 năm 1998; Cầu Bợ, năm 2000 Cầu Tân Thành năm 2000.
Hoàn thành những con đường và 6 cây cầu nói trên đưa vào sử dụng, làm thay đổi đáng kể bản đồ giao thông Tuyên Quang sau tái lập.
Đến hết năm 2000, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ trên địa bàn tỉnh hầu hết được nâng cấp, cải tạo đi lại thuận lợi.
Quốc lộ 2, Quốc lộ 37, đường tỉnh 176 đi Nà Hang - Chiêm Hóa đã được rải nhựa. Các tuyến đường trục Thượng Lâm - Thúy Loa; Đà Vị - Hồng Thái (Nà Hang); Chiêm Hóa - Bình An; Chiêm Hóa - Linh Phú (Chiêm Hóa); Tân Thành - Yên Thuận (Hàm Yên); Chanh - Hùng Lợi - Trung Minh; Yên Lĩnh - Kiến Thiết ( Yên Sơn) Tân Trào (Sơn Dương) được nhựa hóa và rải cấp phối.
Từ năm 2001 đến năm 2005, toàn tỉnh nâng cấp 229km đường quốc lộ, 238km đường tỉnh, 563km đường huyện, 72km đường đô thị; xây dựng các cầu:
Cầu Tân Yên, sản phẩm cam sành vùng đông bắc Hàm Yên gồm các xã Yên
Thuận, Bạch Xa, Phù Lưu, Minh Khương.
Cầu Thiện Kế, trên sông Phó Đáy di tích cấp quốc gia Chùa Thiện Kế
Cầu Kim Quan, di tích lịch sử Kim Quan Cầu Trung Yên, di tích Mặt trận Liên Việt Ủy Ban Thường trực Quốc Hội và Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Cầu Thác Dẫng, di tích Chủ tịch phủ,Thủ tưởng phủ và Văn phòng Hội đồng quốc phòng tối cao.
Cầu Tân Hà bắc qua sông Lô, ở phía bắc thành phố, loại đường ĐĐT. Đầu cầu phía hữu ngạn thuộc địa phận phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang. Đầu cầu phía tả ngạn thuộc địa phận xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang. Đây là cây cầu vượt sông Lô thứ ba của thành phố. Cầu xây dựng năm 2010, chiều dài: 440, 2 m, dầm bê tông dự ứng lực. Cầu có 5 nhịp, mỗi nhịp dài 8,5m. Chiều rộng: 11m, chiều rộng xe chạy: 10m. Giới hạn tải trọng: 30 tấn. Sản phẩm của hai nhà máy xi măng Tuyên Quang và Tân Quang được chở đi tiêu thụ qua cầu Tân Hà.
Cầu An Hòa, nằm trên đường ĐT 186, bắc qua sông Lô. Đây là cây cầu vượt sông Lô thứ ba trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và là cây cầu lớn thứ tư vượt sông Lô của tỉnh Tuyên Quang. Đầu cầu phía hữu ngạn thuộc xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang. Đầu cầu phía tả ngạn thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương.
Lý trình: km56+ 800. Chiều dài cầu: 533,35m.
Chiều rộng: 11m. Bề rộng xe chạy: 10 m. Cầu 10 nhịp.
Sơ đồ nhịp: 33,05x5+54,8x1+90x2 +54,48x1+33,05x2.
Móng cọc khoan nhồi. Thân kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực Tải trọng thiết kế: H30- XB80. Tải trọng hiện tại: H30- XB80. Khởi công xây dựng tháng 10 năm 2003, đưa vào sử dụng năm 2005. Cầu An Hòa xây dựng là tiền đề quan trọng cho việc hình thành Khu công nghiệp Long Bình An, nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa. Trước đó, năm 2002, khởi công xây dựng 6, 2 km đường dẫn cầu An Hòa, thi công xây dựng ĐT186 từ đầu cầu An Hòa nối với Quốc lộ 37 và 53 cầu hẹp: ( Bổ sung: tên cầu, vị trí và tổng chiều dài 53 cầu)
Tuyến đường thủy sông Lô từ Phan Lương đến thị xã Tuyên Quang dài 60km được chỉnh tu giai đoạn I.
Thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp toàn tỉnh. Đến năm 2005, mở mới 855km đường thôn, bản; 100% xã, phường, thị trấn và trên 96% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm. Trong đó có 2/3 là đường nhựa, bê tông, còn lại hầu hết là đường cấp phối, một số ít xã còn đường đất.
Từ năm 2000 đến năm 2005, Tuyên Quang lần lượt đưa điện lưới đến trung tâm tất cả các xã trong tỉnh. Trong đó có những xã vùng cao đặc biệt khó khăn về địa hình như Khau Tinh, Sinh Long, Hồng Thái, Thượng Nông, Thượng Giáp huyện Nà Hang, Yên Thuận, Bạch Xa huyện Hàm Yên. Đạt được kết quả nói trên, cùng với cố gắng của ngành điện là nhờ thành quả của ngành Giao thông, nhờ có những con đường đã được mở đến trung tâm các xã trên.
Phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng nông thôn với hệ thống điện, đường, trường, trạm nên tạo ra sự thay đổi căn bản bộ mặt các làng, bản ở Tuyên Quang.
Sở Giao thông - Vận tải đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hơn 200km tuyến đường huyện, đường đô thị; Đồng thời còn xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến thuộc hệ thống đường nội bộ nhiều khu, điểm tái định cư; khu, điểm công nghiệp,; khu, điểm du lịch và đường chuyên dùng.
Quốc lộ 37 đoạn ngã ba Bình Thuận - Mỹ Lâm được nâng cấp tạo tiền đề cho sự hình thành khu du lịch sinh thái điều dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm và thu hút khách đến các di tích lịch sử cách mạng Lào: di tích Đại hội thành lập Neo Lào Ít xa ra, di tích Tổng Bí thư đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay xỏn phôm vi hản, di tích Hoàng thân chủ tịch Chính phủ Lào Kháng chiến Xu pha nu vông.
Hoàn thành xây dựng mới 8,2km Quốc lộ 2 tránh thị xã Tuyên Quang và ngã tư giao cắt giữa quốc lộ 2 và quốc lộ 37 cải thiện một bước đáng kể diện mạo giao thông của thành phố Tuyên Quang và cả tỉnh Tuyên Quang. Ngã tư được đánh giá đẹp, chiều đường vận chuyển hợp lý, không những bảo đảm an toàn giao thông thông suốt khi lũ ở cốt 29,00m, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An, Khu du lịch Mỹ Lâm, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn tỉnh Tuyên Quang nói chung, thị xã Tuyên Quang nói riêng, có những bước phát triển bền vững, tạo tiền đề cho thị xã Tuyên Quang thực hiện được mục tiêu nâng cấp lên đô thị loại III vào năm 20101.
Nút giao Quốc lộ 37 với Quốc lộ 2C (ngã ba Phúc Ứng) được cải tạo làm tăng sức thu hút khách đến khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Cùng thời gian đã hoàn thành hàng loạt dự án: Đường tỉnh 188 (huyện Chiêm Hoá), lắp đặt hộ lan tôn sóng một số vị trí nguy hiểm trên Quốc lộ 37, đường tránh Khu di tích lịch sử Kim Bình, đường tỉnh 186, đoạn Sơn Nam - Đại Phú, các tuyến đường thuộc dự án GTNT3; các tuyến đường tránh ngập phục vụ cho tái định cư vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang, cầu Nạm Mường, hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại thành phố Tuyên Quang, huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên, cầu Tân Hà, Quốc lộ 279, Quốc lộ 37 đoạn Đèo Khế - thành phố Tuyên Quang, cầu Chả và cầu Bình Trù trên Quốc lộ 2, cầu Tứ Quận, đường Yên Hoa - Thượng Giáp, đường dẫn cầu Tân Hà, Đường tỉnh 190 đoạn Yên Hoa - Thượng Giáp; Quốc lộ 37 đoạn Đèo Khế - thành phố Tuyên Quang.
Ngành còn phát triển đường giao thông nông thôn đến trung tâm thôn, bản bằng các nguồn vốn thuộc các Chương trình 135, Chương trình 134; nguồn vốn tái định cư thuỷ điện Tuyên Quang, dự án RIDP; nguồn vốn địa phương với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Năm 1998, đường tỉnh ĐT 188 Phúc Ứng - Quảng Cư dài 30km cùng với đường Đạo Trù - Quảng Cư (Vĩnh Phúc) được Bộ Giao thông - Vận tải quyết định nâng lên từ đường tỉnh thành Quốc lộ 2C. Đoạn bảo dưỡng đường bộ Tuyên Quang được tái lập; Trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ được thành lập mới ; Công ty vận tải ô tô, Công ty vận tải đường sông, Công ty cầu đường Tuyên Quang được cổ phần hóa theo chủ trương đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp của Chính phủ.
Từ năm 2000 đến năm 2005, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm vụ của ngành giao thông - vận tải là bảo trì, giữ vững thành quả mạng lưới giao thông đã đạt được, tạo điều kiện để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, từng bước hiện đại hóa mạng lưới giao thông để phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2001, năm đầu thập niên thứ hai thế kỷ X X I, ngành Giao thông - Vận tải Tuyên Quang triển khai nhiều công việc: Rải bê tông xi măng đường Bình Thuận và mở mới tuyến đường từ điểm tiếp giáp đường Bình Thuận đến xã Lưỡng Vượng thành phố Tuyên Quang dài 6 km. Tham mưu thực hiện Đề án bê tông hóa mạng lưới giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó Nhà nước cung cấp thiết kế mẫu, xi măng, nhân dân đóng góp vật liệu và công sức làm đường. Đã có hàng trăm km đường bê tông xi măng được hoàn thành. Tham mưu với tỉnh Đề án quản lý, bảo trì các tuyến giao thông. Trong đó nhiệm vụ bảo vệ hành lang đường bộ và sử dụng hiệu quả vốn ngân sách dành duy tu bảo dưỡng mạng lưới đường bộ được đặt lên hàng đầu. Thực hiện đề án trên, năm 2002, toàn tỉnh đã giao khoán duy tu bảo dưỡng các tuyến đường bộ. Đoạn bảo dưỡng đường bộ được sáp nhập với Công ty cầu đường để thực hiện các hạng mục “mềm” trong duy tu bảo dưỡng. Các hạng mục “cứng” đơn giản trong duy tu bảo dưỡng đường như đào rãnh, phát cây, rẫy cỏ hai bên đường, tuần đường, khơi thông dòng chảy trên các rãnh dọc, cầu cống... được giao khoán cho các hộ dân hai bên đường. Những hộ khó khăn, có điều kiện về nhân lực, sống dọc hai bên tuyến đường được chính quyền địa phương sở tại xét chọn công khai, sẽ tham gia nhận khoán duy tu bảo dưỡng từ 2 - 2,5km đường. Chủ trương khoán duy tu bảo dưỡng đường bộ đạt hiệu quả cao, góp phần xóa nghèo đối với một số hộ dân sống hai bên đường và nâng cao chất lượng bảo trì các tuyến đường. Đề án được Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá cao, nhiều địa phương trong cả nước đã đến tìm hiểu và học tập.
Năm 2001, trận lũ lịch sử tại trên lưu vực sông Phó Đáy huyện Yên Sơn và Sơn Dương và lưu vực Ngòi Chinh huyện Chiêm Hóa gây tổn thất nặng về giao thông. Hai cây cầu treo trên sông Phó Đáy là Cầu Trung Yên và Cầu Kim Quan bị cuốn trôi; cầu sắt Sơn Dương bị hư hỏng nặng; tuyến đường từ Nhà máy xi măng Yên Lĩnh qua Đèo Nàng đi Kim Bình nhiều đoạn bị phá hủy, trong đó có cầu tràn Pac Cụp xã Kiến Thiết; cầu tràn Trại Keo xã Kim Bình bị cuốn trôi. Năm 2002, ngành Giao thông- Vận tải chủ yếu tập trung khắc phục hậu quả trận lũ năm 2000 trên địa bàn ba huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn và Sơn Dương: Khởi công xây dựng mới các cầu hạng trung vượt sông Phó Đáy, gồm cầu Kim Quan, cầu Trung Yên, cầu Thiện Kế, sửa chữa cầu sắt Sơn Dương; khởi công xây cầu Kim Bình thay cho cầu tràn Trại Keo; sửa những đoạn đường hỏng do lũ lụt gây ra; khởi công xây dựng 6,2km đường dẫn cầu An Hòa.
Năm 2003, ngành đề xuất lập quy hoạch phát triển giao thông - vận tải Tuyên Quang đến năm 2010 nhằm định hướng cho sự phát triển giao thông - vận tải, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giao thông, du lịch, đảm bảo giao thông cho các vùng ngập thuộc lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, tạo điều kiện cho việc xây dựng khu công nghiệp Long Bình An.
Những dự án giao thông quan trọng được khởi công năm 2003 gồm:
Tháng 3, Tuyên Quang được Bộ Giao thông - Vận tải cho phép triển khai hai dự án quan trọng: Quốc lộ 2 tránh thị xã Tuyên Quang dài 8km và Quốc lộ 37 từ cầu Chả đến suối khoáng Mỹ Lâm dài 14km. Đây là hai công trình có quy mô hiện đại nhất Tuyên Quang. Đặc biệt nút giao giữa Quốc lộ 2 với Quốc lộ 37 là nút giao mức hiện đại nhất Việt Nam đến thời điểm đó.
Tháng 10, ngành giao thông - vận tải khởi công xây dựng cầu An Hòa, cầu lớn thứ tư của tỉnh bắc qua sông Lô, cầu An Hòa xây dựng là tiền đề quan trọng cho việc hình thành Khu công nghiệp Long Bình An và Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa hiện nay.
Hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao Sở Giao thông - Vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngã tám đường Bình Thuận thành phố Tuyên Quang được lắp đặt.
Vận tải đường bộ phát triển cả vận tải hàng hóa và vận tải hành khách.
Nhiều tuyến vận tải hành khách mới đi ngoài tỉnh và đến các xã của huyện Nà Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên được mở. Loại hình vận tải taxi được cấp phép hoạt động trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và các tuyến đi thị trấn Tân Yên, thị trấn Sơn Dương, huyện lỵ Yên Sơn trong tỉnh, thị trấn Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ.
Đến hết năm 2003, các quốc lộ và đường tỉnh thuộc địa bàn Tuyên Quang được cắm mốc lộ giới theo quy định, hầu hết hành lang hai bên đường được trồng rừng theo thiết kế và bàn giao quản lý cho chính quyền sở tại, tình trạng lấn chiếm hai bên đường đã được hạn chế cơ bản.
Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải Tuyên Quang được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2004. Quy hoạch giao thông mở màn cho toàn bộ hệ thống các quy hoạch kinh tế xã hội của tỉnh sau đó.
Bước đầu thực hiện quy hoạch, đường Quốc lộ 2 tránh thị xã và Quốc lộ 37 từ cầu Chả đến suối khoáng Mỹ Lâm được khởi công xây dựng.
VIII. ĐỘT PHÁ HẠ TẦNG GIAO THÔNG TIỀN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI
Giai đoạn 2005 - 2015, Tuyên Quang xác định giao thông là trung tâm kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông là một trong bốn lĩnh vực đột phá. Tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu giao thông. Với quyết tâm chính trị cao, toàn ngành Giao thông - Vận tải thực hiện thắng lợi khâu “đột phá” phát triển hệ thống giao thông và các nhiệm vụ giao thông vận tải theo chuyên ngành:
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, các huyện và thị chỉ đạo các đơn vị đơn vị quản lý giao thông thực hiện tốt duy tu bảo dưỡng đường bộ, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt; rà soát, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ, xây dựng rãnh thoát nước dọc, cống thoát nước ngang đường, hộ lan tôn sóng, cột tiêu, mốc lộ giới; thực hiện cải tạo mở rộng các đoạn đường nguy hiểm, ngã ba, ngã tư hẹp; xây dựng hệ thống đèn điểu khiển giao thông, cải tạo nhà hạt.
Chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án phòng chống lụt bão hàng năm, có kế hoạch chuẩn bị phương tiện thiết bị máy móc, vật liệu đảm bảo khi có lũ lụt xảy ra tổ chức khắc phục được ngay. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc kiểm tra, chỉ đạo kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn và các huyện, thị xã chỉ đạo các Hạt quản lý giao thông thực hiện Chỉ thị 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý hành lang bảo vệ đường bộ, trồng cây ven lộ. Đã trồng 74.500 cây trên QL37, QL2C, đường tỉnh, đường huyện.
Tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý, bảo trì đường bộ; Quyết định số 11/QĐ-UBND quy định mức kinh phí hỗ trợ công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh; quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống đường tỉnh, đường huyện; chuyển một số đường huyện thuộc địa bàn huyện Sơn Dương, huyện Yên Sơn thành đường tỉnh DT186; Quyết định số 15/QĐ-UBND quy định về quản lý và bảo trì đường bộ; Quyết định số 19/QĐ-UBND quy định định mức kinh phí hỗ trợ công tác quản lý, bảo trì các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 17/QĐ-UBND điều chỉnh một số điều tại Quyết định số 15 QĐ-UBND; tổ chức khảo sát, lập hồ sơ trình Bộ GTVT chuyển các tuyến đường tỉnh 185, 190 lên QL.2C và 02 tuyến Đường 17/8, Đường Quang Trung, thành phố Tuyên Quang lên QL.37; ban hạn qui định cấm xe công nông lưu thông trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, chỉ đạo phòng nghiệp vụ thực hiện tốt công tác quản lý phương tiện. Tổ chức thực hiện phương án phát triển phương tiện chất lượng cao, nâng cao dịch vụ vận tải khách; chú trọng quản lý tuyến vận tải và chất lượng phương tiện.
Tham mưu với UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua cơ chế chính sách phát triển vận tải khách công cộng; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyên truyền mời gọi nhà đầu tư
Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác quản lý, bảo trì đường bộ theo hướng đặt hàng, đấu thầu toàn bộ nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên đường bộ; phối hợp, hướng dẫn, triển khai thực hiện xây dựng đề án, quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn phục vụ chương trình quốc gia nông thôn mới.
Làm tốt chức năng tham mưu về kỹ thuật của ngành với tỉnh và Bộ Giao thông - Vận tải. Thực hiện thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán, dự toán công trình đảm bảo đúng thời gian, đảm bảo chất lượng hồ sơ. Duyệt cấp giấy phép thi công cho các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân thuận tiện đúng quy định.
Thường xuyên chủ động xử lý kỹ thuật tại hiện trường, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình phù hợp với thiết kế. Đôn đốc, chỉ đạo các Ban quản lý dự án bám sát hiện trường, kiểm tra chất lượng, kỹ thuật trong thi công, khắc phục kịp thời những sai sót trong kỹ thuật. Căn cứ vào nguồn vốn đầu tư của từng đầu điểm công trình giải quyết ứng vốn, thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu không để tồn đọng kéo dài. Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra kỹ thuật, chất lượng đối với các công trình giao thông; hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình, quy phạm của ngành; tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ giao thông cấp huyện, cấp xã về công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn; phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra công trình giao thông đang thi công.
Thực hiện nhanh, kịp thời từ bước lập dự án, thẩm định dự án, lập TKKTTC - DT, thẩm định và phê duyệt TKKTTC - DT để khởi công. Các nhà thầu đã nỗ lực tập trung máy móc, thiết bị, tài chính, lao động ngay từ khi triển khai thi công, các công trình thi công đều đảm bảo chất lượng- kỹ thuật, tiến độ.
Công khai các luồng tuyến, cho phép phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, có thái độ phục vụ hành khách tốt được tham gia vận tải khách. Phát triển các tuyến vận tải hành khách đến các xã vùng sâu, vùng xa. Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm lái xe, phụ xe, phương tiện, các chủ phương tiện có xe vi phạm.
Quản lý chặt chẽ các phương tiện vận tải đã hết niên hạn sử dụng theo quy định; ban hành quy chế quản lý bến xe, điểm đỗ xe ô tô khách; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải thuận lợi, đúng pháp luật; tổ chức thẩm định và thực hiện nghiêm quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải. Định kỳ tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản về quản lý vận tải cho các danh nghiệp vận tải.
Đề xuất với tỉnh, tự vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng mới Trung tâm Dạy nghề - Sát hạch lái xe, Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải.Hai trung tâm này đưa vào hoạt động có tác dụng hiện đại công tác quản lý, nâng cao chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy, tăng thu ngân sách nhà nước.
Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông Tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban bí thư Trung ương, Nghị quyết 13/NQ-CP và Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông. Thường xuyên chỉ đạo Ban An toàn giao thông các huyện và thị xã tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thành lập Văn phòng Ban an toàn giao thông, là cơ quan thường trực giúp việc Ban an toàn giao thông tỉnh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đưa ra nhiều giải pháp thiết thực đảm bảo trật tự an toàn giao thông để tham mưu với tỉnh chỉ đạo và triển khai kịp thời tới các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thực hiện. Đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý hoạt động vận tải, siết chặt kiểm soát tải trọng xe; tổ chức nhiều hội nghị ký cam kết tuân thủ quy định về chở hàng đúng tải trọng phương tiện và tải trọng cầu, đường bộ khi tham gia giao thông với đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh vận tải hàng hóa; tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho các tuyên truyền viên cơ sở và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải; kiểm tra sức khỏe cho lái xe các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các huyện, thị chỉ đạo các tổ công tác liên ngành, đơn vị quản lý giao thông cùng các xã, phường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, Luật giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, trật tự an toàn giao thông đường thuỷ; ký kết chương trình phối hợp giữa Ban An toàn giao thông tỉnh với Liên đoàn lao động Tỉnh;vận động cán bộ công nhân viên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Giáo dục đào tạo tuyên truyền an toàn giao thông, đưa công tác giáo dục trật tự an toàn giao thông vào cấp tiểu học; cấp 2.500 cuốn giáo trình dạy Luật Giao thông đường bộ và 12.500 cuốn sách giáo khoa cho 6 phòng giáo dục để cấp cho các trường học, phát hơn 2.000 tờ rơi tuyên truyền về quy định quản lý và bảo vệ hành lang đường bộ cho các hộ dân ven Quốc lộ 37, 2C. Tổ chức hội nghị triển khai qui chế phối hợp giữa Thanh tra giao thông và lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hoạt động vận tải hành khách không để tình trạng xe dù hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các huyện, thị xã triển khai tốt nhiệm vụ theo chức năng của cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường được giao quản lý. Thực hiện kiểm tra giao thông đường thuỷ, đặc biệt trước và trong mùa mưa lũ; tổng hợp tình hình tai nạn giao thông hàng tháng, đề xuất biện pháp tiếp tục tổ chức thực hiện, trong đó có việc khắc phục các điểm thường xẩy ra tai nạn giao thông.
Lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh, Thanh tra giao thông các huyện, thị xã, thường xuyên tuần tra, kiểm soát các tuyến đường bộ, đường sông, bến xe, bến đò, xử lý các vi phạm lấn chiếm hành lang, lòng đường để họp chợ, xây dựng nhà cửa, lều quán, để vật liệu không đúng quy định. Kiểm tra việc khai thác cát sỏi trên các tuyến sông và các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh. Giải toả 37điểm họp chợ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các thị trấn thị tứ; 1.200 điểm bán hàng vi phạm hành lang đường bộ; 1.845 nhà, lều quán xây dựng lấn chiếm hành lang đường bộ; tháo dỡ 870 mái che, mái vẩy, 5.500 m tường rào vi phạm hành lang.Tiếp tục đẩy lùi tai nạn giao thông cả về số vụ tai nạn và số người thương vong. Thành tích đó được Ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá Tuyên Quang là 1 trong 4 tỉnh c kiềm chế được tai nạn giao thông. trong toàn quốc.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực: đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Quá trình sát hạch lái xe được giám sát chặt chẽ của lực lượng Công an, Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến nội dung chương trình, đầu tư cơ sở vật chất, lớp học, nhà xưởng, xe tập lái, mô hình học tập và sân bãi học lái; quy định mỗi cán bộ làm nhiệm vụ sát hạch phải ký cam kết không vi phạm trong quá trình sát hạch. Kiểm định phương tiện giao thông - vận tải; việc chấp hành thể lệ vận tải; các quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường đối với công trình giao thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các phòng, ban, đơn vị; công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc thẩm quyền không để tồn đọng.
Từ 2005 đến 2015 đã hoàn thành mở mới, cải tạo, nâng cấp đưa vào sử dụng các công trình cầu, đường:
Quốc lộ 287km: Quốc lộ 2, cải tạo nâng cấp toàn tuyến trên địa phận Tuyên Quang; Quốc lộ 37 từ Đèo Khế đến thành phố Tuyên Quang; Quốc lộ 2C từ Km49+750 giáp tỉnh Vĩnh Phúc đến Km147 nối vào Quốc lộ 2 xã Lang Quán huyện Yên Sơn; Quốc lộ 279 từ Km63, giáp với tỉnh Bắc Kạn đến Km157 giáp tỉnh Hà Giang.
Đường tỉnh 286,8km: Đường tỉnh 186 từ nút giao QL.37 đến cầu An Hòa;
Đường tỉnh 188 từ thị trấn huyện Chiêm Hóa đến xã Thổ Bình và từ xã Bình An qua đèo Khau Lắc đến xã Lăng Can; Đường tỉnh 185 từ xã Thượng Lâm đến xã Lăng Can, huyện Nà Hang; Đường tỉnh 190 từ xã Yên Hoa đến xã Thượng Giáp, huyện Nà Hang.
Đường tránh ngập vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang: tuyến Yên Hoa - Côn Lôn - Sinh Long; tuyến Yên Hoa - Khau Tinh và tuyến Lăng Can - Phúc Yên.
Đường đô thị 116 km: trong đó có đường Lê Đại Hành từ ngã ba Bình Thuận đến nút giao QL.37 với QL.2 đoạn tránh thành phố Tuyên Quang.
Đường huyện: 504 km. Đầu tư nhựa hóa 805,5km đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã
Đường nội bộ khu công nghiệp, khu du lịch: 56km.
Xây dựng 130 cầu và xây dựng cầu và đường dẫn 3 cây cầu lớn: Cầu Tứ Quận qua sông Lô, địa bàn huyện Yên Sơn; Cầu Kim Xuyên qua Sông Lô, huyện Sơn Dương; Cầu Ba Đạo qua sông Gâm huyện Nà Hang.
Xây dựng 4 bến xe khách: thị trấn Na Hang, thị trấn Vĩnh Lôc, Chiêm Hóa, thị trấn Tân Yên, Hàm Yên, thị trấn Sơn Dương. ; thu hút các nguồn vốn triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 3 bến thuỷ; 2 bến khách ngang sông; đang chuẩn bị đầu tư xây dựng cảng sông.
Đường giao thông nông thôn: 1.490 km. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy nguồn lực trong nhân dân để cùng với Nhà nước đầu tư cải tạo. Tính riêng giai đoạn 2006 - 2010 đã sử dụng 85 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Thế giới và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh xây dựng, nâng cấp gần 400km đường giao thông nông thôn. Mức đầu tư khoảng hơn 200 triệu đồng/ km2.Giai đoạn 2011 - 2014 hoàn thành đường bê tông đưa vào sử dụng vượt kế hoạch cả giai đoạn 2011 - 2015. Tổng số tiền đầu tư 1.318,988 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 630,256 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 685,952 tỷ đồng và hiến đất 41.847 m2.
Lưu lượng giao thông trên các tuyến đường mới được nâng cấp tăng trung bình 15%.
Đã chỉnh trị lòng Sông Lô đoạn từ thị xã Tuyên Quang về xuôi, để phương tiện vận tải 50 tấn lưu thông vào mùa khô, trên 100 tấn lưu thông vào mùa mưa.
Đoạn từ thị xã Tuyên Quang đến Bợ, phương tiện vận tải 10 tấn lưu thông vào mùa khô, trên 50 tấn vào mùa mưa. Đoạn từ Bợ lên phía bắc huyện Hàm Yên, các phương tiện vận tải dưới 1 tấn lưu thông cả 2 mùa.
Sông Gâm: Đoạn từ Nà Hang xuống Chiêm Hóa, lòng sông hẹp, nhiều ghềnh thác, chỉ sử dụng được các phương tiện vận tải dưới 1 tấn. Đoạn từ Chiêm Hóa trở xuống, có thể sử dụng phương tiện vận tải 10 tấn vào mùa khô và trên 50 tấn vào mùa mưa.
Các phương tiện vận tải có 5.420 đầu phương tiện, 4.964 xe tải và 732 ô tô chở khách, 114 tuyến vận tải hành khách đường bộ cố định nội tỉnh và ngoại tỉnh. Số phương tiện đường bộ có 12.022 xe.
Nhìn chung 10 năm qua, hệ thống cầu, đường bộ trên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị đã được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao và hiện đại; một số tuyến đường tỉnh đã được nâng lên thành quốc lộ; giao thông nông thôn được đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa; đã có 100% xã, phường và 99,71% thôn, bản có đường ô tô; kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt đảm bảo giao thông đi lại thông suốt; phát triển và đổi mới nhanh phương tiện, nâng cao chất lượng công tác phục vụ vận tải hành khách; công tác quản lý, bảo trì đường bộ ngày được nâng cao chất lượng, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt; phát triển và đổi mới nhanh phương tiện, nâng cao chất lượng vận tải phục vụ hành khách; công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải ngày càng đi vào nề nếp; thực hiện tốt công tác kiểm tra kỹ thuật, chất lượng, hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Tình hình trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực, quản lý tải trọng xe được triển khai quyết liệt, tai nạn giao thông được kiềm chế; công tác cải cách hành chính, đào tạo, sử dụng cán bộ và chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên, người lao động quan tâm.
Năm 2005 Sở Giao thông- Vận tải vinh dự được nhà nước tặng huân chương Lao động hạng III; Bộ Giao thông- Vận tải tặng cờ thi đua về công tác phát triển giao thông; Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng bằng khen về thành tích 5 năm (1998 - 2003) xây dựng khu vực phòng thủ của Tỉnh. Bộ Giao thông- Vận tải đề nghị Chính phủ tặng bằng khen cho 01 cá nhân và Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Chính phủ tặng bằng khen cho 02 các nhân; Bộ Giao thông- Vận tải tặng bằng khen cho 02 tập thể 10 cá nhân, Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 01 tập thể 7 cá nhân.
IX. TRONG TƯƠNG LAI GẦN
Bổ sung điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; triển khai lập quy hoạch giao thông nông thôn toàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Chuẩn bị đầu tư xây dựng Đường cao tốc: Bộ Giao thông – Vận tải đã có quyết định cho thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư trước đoạn tuyến từ Km124+500 - Km127+501, Quy mô 4 - 6 làn xe và đồng ý trình Chính phủ bổ sung đường cao tốc Tuyên Quang - Đoan Hùng vào quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam.
Đường Hồ Chí Minh: Đã triển khai xây dựng hoàn thành đoạn từ ngã ba xã Trung Sơn đến ngã ba xã Phú Thịnh dài 20,3Km với quy mô đường cấp III; tiếp tục đề nghị và được đồng ý cho triển khai đầu tư xây dựng cầu Bình Ca, đường dẫn hai đầu cầu và 16 Km còn lại . Xây dựng 40km đường vành đai II thành phố Tuyên Quang; cải tạo, nâng cấp QL.37 đoạn từ thị trấn Sơn Dương về thành phố Tuyên Quang, dài 24,4km; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh hiện có: ĐT.186 dài 9,4km; ĐT.185 dài 15km; ĐT.188 dài 12km; nhựa hóa hoặc bê tông xi măng 1.400km các tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng 02 cầu lớn cầu Bình Ca và cầu Tình Húc; xây dựng 150cầu nhỏ trên hệ thống đường giao thông nông thôn. Lập hồ sơ thủ tục trình Bộ Giao thông – Vận tải chuyển các tuyến đường tỉnh lên thành quốc lộ: Quốc lộ 2C dài 70,6km, Quốc lộ 3B dài 17km; trình Ủy ban Nhân dân tỉnh chuyển đường huyện lên đường tỉnh: ĐT.188 dài 75km; ĐT.185 dài 42km. Xây dựng 04 trạm dừng nghỉ trên các quốc lộ: Trạm Bình Ca trên QL.2 (giao QL.2 và đường Hồ Chí Minh); Trạm Sơn Dương (giao QL.37 và QL.2C); Trạm Hàm Yên trên QL.2; trạm thị trấn Na Hang, trên QL.279; xây dựng các bến xe khách: bến phía Nam và phía Bắc thành phố Tuyên Quang, bến huyện lỵ Yên Sơn, v bến xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, bến huyện lỵ Lâm Bình, bến xã Hồng Lạc huyện Sơn Dương, bến xã Tân Trào huyện Sơn Dương); 02 cảng sông là cảng An Hoà và cảng thành phố Tuyên Quang; chỉnh trị sông Lô đoạn từ thành phố Tuyên Quang - Việt Trì, dài 116,2km đảm bảo tàu 200 tấn đi lại được quanh năm.
Đường sắt: tuyến Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái, dài 46,4km, Bộ Giao thông – Vận tải đã đưa vào quy hoạch trong hệ thống đường sắt Việt Nam và được Chính phủ phê duyệt nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng trong giai đoạn này.
X. THAY LỜI KẾT
Bảy thập niên qua, kể từ khi thành lập, cán bộ, nhân viên, công nhân ngành Giao thông – Vận tải Tuyên Quang đã lập được những thành tích hết sức vẻ vang. Những chiến công trong hai cuộc kháng chiến và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới cùng những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Tuyên Quang 70 năm qua đều có phần đóng góp quan trọng của ngành Giao thông- Vận tải.
Diện mạo giao thông - vận tải hoàn toàn mới đã được thiết lập: Toàn bộ hệ thống cầu đường, kể cả đường thôn bản được bê tông hóa, nhựa hóa, đi lại thông suốt bốn mùa; số phương tiện vận tải cơ giới tăng đột biến. Giao thông - vận tải đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đã lùi vào dĩ vãng cảnh“ nắng bụi, mưa lầy, lội suối, trèo đèo ”gian nan vất vả. Có được những thành tích trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh, của Bộ Giao thông- Vận tải, sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành các cấp, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tinh thần lao động dũng cảm quên mình của cán bộ, công nhân Giao thông- Vận tải Tuyên Quang. Liệt sĩ Trần Văn Vân Vũ Xuân Chi.
Đảng, Nhà nước ghi nhận thành tích và trao tặng ngành Giao thông- Vận tải Tuyên Quang 19 huân chương. Trong đó…..
Cờ Thi đua của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng năm 1974, thành tích: Tỉnh miền núi làm Giao thông vận tải nông thôn khá nhất miền Bắc
- Cờ của Hội đồng Bộ trưởng tặng năm 1987, thành tích: Đơn vị dẫn đầu thi đua ngành Giao thông- Vận tải.
-Cờ Thi đua của Bộ Giao Thông - Vận tải tặng năm 1960 cho xã Thái Long, huyện Yên Sơn, thành tích: Lá cờ đầu toàn miền Bắc về phong trào thi đua giải phóng đôi vai.
- Cờ của Bộ Giao thông- Vận tải tặng các năm 1982, 1986, 1992, 1994.
- Cờ của Chính phủ tặng năm 1995, Thành tích: Có thành tích suất sắc phát triển giao thông vận tải nông thôn miền núi.
- Cờ của Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng năm 1995, thành tích: Đơn vị thi đua suất sắc nhất khối Công nghiệp- Giao thông ( 1987- 1995).
Chiến sĩ suất sắc ngành Giao thông- Vận tải
- Danh hiệu Dũng sỹ Giao thông- Vận tải đánh thắng giặc Mỹ cho đồng chí Trần Xuân Hạ, hạt Giao thông Yên Sơn; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho đồng chí Trần Xuân Tiếu.
Trước những yêu cầu mới của công cuộc hội nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kế tục truyền thống: “Đoàn kết, dũng cảm, thông minh, sáng tạo” mỗi cán bộ công nhân viên ngành giao thông vận tải Tuyên Quang không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
PHỤ LỤC
Một số hình ảnh thể hiện quá trình trưởng thành của ngành.
Hình ảnh lãnh đạo Đảng, nhà nước thăm, làm việc, tặng thưởng.
Danh sách, chân dung Giám đốc, Phó Giám đốcTy, Sở Giao thông - Vận tải các thời kỳ.
Trần Tử An, Trưởng ty GTVT Tuyên Quang, 1945 - 1947
Nguyễn Khác Tự, Trưởng ty GTVT Tuyên Quang, 1947 - 1951
Nguyễn Bá Dãn, Trưởng ty GTVT Tuyên Quang, 1951- 1953
Nguyễn Đức Phương, Trưởng ty GTVT Tuyên Quang, 1953 - 1958
Phạm Đình Giực, Trưởng ty GTVT Tuyên Quang, 1959 - 1976
Phạm Đình Di, Trưởng ty GTVT Hà Tuyên 1976 - 1978
Nguyễn Ngọc Kiêm, Trưởng ty GTVT Hà Tuyên, 1978 - 1986
Đỗ Trọng Quý, Giám đốc sở G.T.V.T và Bưu điện Hà Tuyên, 1986 - 1991
Phạm Văn Bính, Giám đốc sở G.T.V.T Tuyên Quang, 1991- 1998
Đặng Ngọc Tâm, Phó Giám đốc sở GTVT Tuyên Quang, 1991- 1996;
Giám đốc sở G.T.V.T Tuyên Quang; 1998 - 2002
Trần Ngọc Thân, Giám đốc sở G.T.V.T Tuyên Quang 2002 - 2007
Phạm Văn Quang, Giám đốc sở G.T.V.T Tuyên Quang 2007 đến nay
Phạm Hoàng Nhạc, Phó Trưởng ty GTVT Tuyên Quang, 1960 - 1975
Trần Xuân Tiếu, Phó Trưởng ty GTVT Tuyên Quang, 1961- 1981
Trần Vũ Cự, Phó Trưởng ty GTVT Hà Tuyên, 1976 - 1981
Toán Trung Nghĩa, Phó Trưởng ty GTVT Hà Tuyên, 1981 1986
Cao danh Ngạch, PhóTrưởng ty GTVT Hà Tuyên, 1984 - 1987
Phạm Hùng Trường, Phó Giám đốc sở GTVT Tuyên Quang,
Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc sở GTVT Tuyên Quang,
Lưu Việt Anh Phó Giám đốc sở GTVT Tuyên Quang, từ đến