Tại hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước: Cơ hội và thách thức" do Báo Điện tử VOV tổ chức tại Hà Nội ngày 26/7, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin-Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, những năm gần đây, chúng ta kỳ vọng rất nhiều về việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đặc biệt trong đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, nước ta có đến 72% doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu. Chỉ có 10% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, chuyển đổi số thành công và mang lại giá trị trọng yếu của doanh nghiệp.
Nguyên nhân các doanh nghiệp chưa mặn mà với chuyển đổi số là chi phí đầu tư chuyển đổi số, do thói quen kinh doanh cổ điển, thiếu cam kết từ lãnh đạo, từ người lao động; thiếu nhân lực nội bộ, thiếu thông tin và công nghệ số; lo lắng sự rò rỉ thông tin bảo mật…
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cũng chia sẻ, chuyển đổi số thực chất là thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó phải chuyển đổi được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, các doanh nghiệp Nhà nước đang có 6 thách thức khi triển khai chuyển đổi số.
Thứ nhất, doanh nghiệp Nhà nước có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Họ có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, vì không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được, và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay.
Thứ hai, do sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên tạo ra nhiều thách thức trong xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới, hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh.
Thứ ba, việc chuyển đổi cách vận hành cũng phát sinh những khoản đầu tư lớn, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ trong quá trình đầu tư, dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh "Agile", hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm (Eecosystem) trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.
Thứ tư, chuyển đổi số đòi hỏi một cách làm tổng thể, và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, thay vì tạo ra một tác động tổng thể, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số giải pháp cụ thể.
Thứ năm, chiến lược tích hợp kinh doanh-chuyển đổi số của các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định. Vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp dưới của tổ chức đang là một điểm nghẽn lớn, do vậy, chưa thực sự tạo ra lợi thế cạnh tranh động cho doanh nghiệp Nhà nước thông qua tiến trình chuyển đổi số.
Thứ sáu, tiến trình chuyển đổi số cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định, cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành…
Ông Lê Nguyễn Trường Giang đã chỉ ra cách tiếp cận chuyển đổi số của các doanh nghiệp Nhà nước, đó là một doanh nghiệp tương lai được "định hình" bởi tiến trình chuyển đổi số sẽ là một nền tảng (platform) và được vận hành theo cơ chế nền tảng; tầng phần mềm (software layer) sẽ được đặt làm trung tâm thay cho tầng phần cứng (hardware layer), cho phép doanh nghiệp vượt qua được mọi giới hạn về không gian, thời gian, con người trước đây.
Không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy. Nó đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khuôn khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp, tổ chức của mình.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/